Bảo tàng phản ánh
Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Ảnh: P.Thảo
Ở các nước tiên tiến trên thế giới, bảo tàng ngoài chức năng lưu giữ, trưng bày các hiện vật lịch sử còn là nơi vui chơi, giải trí và hầu hết đất nước nào cũng có bảo tàng lịch sử quốc gia. Bảo tàng Lịch sử quốc gia của Nhật Bản là một khu liên hợp, ngoài chức năng bảo quản và trưng bày còn là một công viên văn hoá, một trung tâm du lịch-dịch vụ. Vì vậy, phải mất vài ngày du khách mới đi thăm hết được bảo tàng. Chỉ cần vào một khu vực trưng bày chuông cổ bằng đồng ở đây cũng phải mất vài tiếng mới xem hết. Còn khi vào thăm Bảo tàng "Nhân loại" của Anh và bảo tàng Bu-đa-pét người ta có cảm giác như lạc vào "mê cung".Ở nước ta, bây giờ mới đang chuẩn bị dự thảo đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam thì phải đến 10 năm nữa mới hoàn thành.
Ông Ngô Quang Hưng-Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTT): Theo tôi, xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam là rất cần thiết. Chúng ta phải có một công trình mô phỏng lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vì vậy, công trình này phải nằm trong một quần thể văn hoá. Nếu được thì địa điểm xây dựng ở đường Láng - Hoà Lạc là đẹp nhất. Về phần trưng bày nên bố trí nhiều địa điểm ở ngoài trời thì mới miêu tả sống động hình ảnh của đất nước, mở mang bờ cõi, sự hình thành của tất cả các dân tộc Việt Nam. Phải bỏ hẳn lối trưng bày theo kiểu "triển lãm" như hiện nay, mà nên bố trí cả địa điểm vui chơi trong đó vừa là một công viên, vừa là một cung điện.
Hiện nay, nước ta có hai bảo tàng lớn là Bảo tàng Cách mạng và Bảo tàng Lịch sử tồn tại song song với nhau, tạo ra một sự chia sẻ địa bàn. Qũi đất ở đây không thể mở rộng thêm được nữa nên rất cần thiết phải xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam ở một địa điểm khác. Bảo tàng này sẽ trưng bầy những hiện vật từ thời tiền sử đến những hiện vật trong các cuộc kháng chiến vừa qua của dân tộc, được thiết kế hiện đại, thể hiện đầy đủ dòng chảy lịch sử Việt Nam, góp phần giúp học sinh, sinh viên có những bài học toàn diện, sống động về lịch sử dân tộc bởi lâu nay trong các giáo trình lịch sử PTTH, đại học phần lớn chỉ nói về lịch sử miền Bắc. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam là một thiết chế khép kín, không phải là một ngôi nhà thờ tổ, không phải chốn linh thiêng mà được xây dựng theo lối tổng hợp, vừa hưởng thụ văn hoá, vừa vui chơi giải trí. Về phần trưng bày trong bảo tàng, có ý kiến cho rằng nên trình bầy theo tiến trình lịch sử, thể hiện xuyên suốt lịch sử từ thời xuất hiện con người Việt Nam đến thời hiện tại. Tuy nhiên, trưng bày như vậy chưa khoa học bởi có những vấn đề rất lớn, nhiều chủ đề muốn nói sâu hơn nhưng không thực hiện được. Trưng bầy theo chuyên đề sẽ thể hiện sâu hơn tiến trình lịch sử dân tộc, mỗi vấn đề về ngoại giao, giáo dục, tôn giáo tín ngưỡng, thương mại, thủ công... được bố trí riêng một khu vực và bên cạnh đó có các hệ thống bổ sung cho mỗi chuyên đề.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa tìm ra địa điểm phù hợp xây dựng công trình này. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cấp lô đất A7 (khu Ba Đình), có diện tích 3,5 ha để triển khai dự án. Nhưng các thành viên trong Ban dự án cho rằng quá nhỏ, hơn nữa lại phải di dời 500 hộ dân ở đây nên công tác giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn. Vì phương án này không khả thi nên Bộ VHTT đã trình Chính phủ đề xuất hai phương án là xây dựng ở khu vực vườn hoa Bách Thảo. Khu vực này có diện tích gần 13ha, công viên Bách Thảo sẽ không phá đi mà sử dụng làm sân vườn của bảo tàng. Phương án cuối cùng là sẽ xây dựng ở khu vực đường Láng-Hoà Lạc.
Dù chọn địa điểm xây dựng ở đâu, trình bày theo phương án nào thì chúng ta phải tính đến yếu tố sử dụng thuận lợi. Không nên bố trí ở những khu vực quá đông dân cư, hoặc địa điểm mà dưới lòng đất có khả năng còn chứa đựng dấu tích của Hoàng Thành Thăng Long, bởi như vậy các tầng kiến trúc sẽ chồng lên nhau,sẽ vô tình vùi lấp những giá trị văn hoá vô giá của dân tộc. Phải cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện dự án này bởi đây là một công trình tầm quốc gia, là một cuốn sử sống của dân tộc.
PGS.TS Phạm Mai Hùng-Phó trưởng ban thường trực xây dựng đề án Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam: Xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam là trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm các mặt hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng và các bảo tàng khác. Trong đó có cả kế thừa các hiện vật hiện có, là một sản phẩm thể hiện những thành quả nghiên cứu mới nhất về lịch sử văn hoá của đất nước. Bảo tàng này sẽ là một công trình văn hoá khoa học hiện đại nhất của Việt Nam, phản ánh những kết quả mới nhất của lịch sử đất nước và các nước trong khu vực, đồng thời vận dụng triệt để những thành tựu của các bộ môn khoa học tự nhiên để phục vụ công tác bảo quản, khai thác, trưng bày. Khi hoàn thành, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam thì Bảo tàng Cách mạng sẽ phá đi, còn Bảo tàng Lịch sử sẽ trở thành một bộ phận của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trưng bày những hiện vật về văn hóa nghệ thuật của Đông Nam Á. Ngày 4-6, tôi sẽ sang Mỹ để tìm hiểu về những bảo tàng của nước bạn, qua đó để có những kinh nghiệm xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan:
Bây giờ chúng ta mới nghĩ đến xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia là việc đã chậm nhưng chậm còn hơn không. Để làm được công trình này, trước hết phải có một tầm nhìn bao quát thật lớn, thậm chí lớn vượt bậc so với những cái chúng ta đang tạm có. Lớn là yêu cầu ở trong đó không phải chỉ vì qui mô to lớn mà cả nội dung bảo quản và trưng bày cũng phải lớn, đặc biệt hình thức thể hiện phải hoành tráng, hiện đại. Tôi cho rằng, chọn địa điểm xây dựng ở khu vực Bách Thảo là không thích hợp, chỗ ấy chắc chắn liên quan đến phần phía Tây Hoàng Thành Thăng Long, khu vực này là “vùng đỏ, vùng xanh”của Hoàng Thành. Còn về địa điểm ở đường Láng - Hoà Lạc thì tốt rồi, nhưng tôi sợ không còn đất vì ở đây đã có sân vận động quốc gia Mỹ Đình, rồi sau này lại xây dựng Hội trường Quốc gia ở đây. Mà ít ra, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải rộng ngang với khu Mỹ Đình. Tôi thấy, có một địa điểm khá đẹp để xây dựng công trình này, đó là khu cửa ô phía Nam của Hà Nội (nơi dự kiến sẽ xây Khải Hoàn Môn). Khu vực này còn nhiều đất, lại nằm ở hướng Nam. Nếu xây dựng cả Bảo tàng Lịch sử quân sự ở đây thì chúng ta sẽ có một tổ hợp các công trình lịch sử văn hoá rất rộng và đẹp. Về nội dung và hình thức của Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải thể hiện được cái lớn, tính hiện đại, không chỉ đơn giản là đưa hiện vật vào tủ kính rồi bầy ra đấy mà phải có những bảo tàng ngoài trời,trưng bầy những hiện vật được phục hiện, kết hợp vào đó chất liệu âm thanh, ánh sáng hiện đại. Có như vậy bảo tàng mới quí giá và sang trọng.
Huyền Lê
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.