(HNM) - Xây dựng chính sách thuế tài sản công bằng, minh bạch là mục tiêu mà các quốc gia, trong đó có Việt Nam đang hướng tới.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, việc có một chính sách thuế liên quan đến tài sản là cần thiết, tuy nhiên cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như xác định rõ mục đích của chính sách thuế là gì, mức thuế ra sao...
Ảnh minh họa: Internet |
Dự thảo Luật Thuế tài sản đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành và người dân trước khi hoàn thiện trình Chính phủ. Tại hội thảo khoa học “Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia tài chính đã nêu nhiều ý kiến về dự thảo luật. Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh cho rằng, một hệ thống thuế tài sản phải xác định rõ đối tượng nộp thuế, tùy quốc gia khác nhau có thể đánh thuế trên người sở hữu hoặc người sử dụng tài sản.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ đánh thuế vào loại tài sản nào, động sản hay bất động sản; cơ sở đánh thuế và mức thuế cụ thể ra sao. Với quan điểm ủng hộ việc đánh thuế tài sản, Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh cho biết thêm, trên thực tế, sắc thuế này đã có từ thế kỷ XIX nhằm triệt tiêu lợi tô của đất và sử dụng thuế tài sản như công cụ để tái phân phối thu nhập; đồng thời làm tăng tính minh bạch và trách nhiệm của chính quyền địa phương... Ở nhiều nước, thuế tài sản được coi như một yếu tố cấu thành của thuế địa phương, để dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, mang lại phúc lợi cho người dân.
Nghiên cứu dưới góc độ kinh nghiệm quốc tế về Luật Thuế tài sản và thực tiễn ở Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính nhận định, một sắc thuế phải đạt được các mục tiêu công bằng, hiệu quả và dễ thực thi. Về tên gọi, theo Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường, phải rõ hơn, có thể là luật liên quan đến tài sản, hoặc luật quy định riêng biệt về bất động sản, động sản hay của cải ròng… Trên thực tế, ở nước ta đã có thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, chính là thuế đối với loại tài sản là đất. Tuy nhiên, nguồn thu từ thuế này khá thấp, chỉ đóng góp 0,03-0,06% GDP mỗi năm, thấp hơn nhiều so với các nước. Vai trò với ngân sách địa phương cũng khá khiêm tốn, chỉ chiếm 5-7% nguồn thu, thậm chí nhiều nơi chỉ chiếm khoảng 2%.
"Việc xác định loại tài sản chịu thuế rất quan trọng, nhiều nước không đánh thuế đối với động sản (cổ phiếu, trái phiếu, tàu thuyền, ô tô…) vì có thể bị trùng với thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng… Do đó, cần thiết phải gọi rõ tên của loại tài sản được điều chỉnh bởi luật thuế này", Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường nói.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, việc có một chính sách thuế liên quan đến tài sản là cần thiết, tuy nhiên cần phải xác định rõ mục đích của chính sách thuế đó là gì, mức thuế ra sao và tiền thuế để cho đối tượng nào sử dụng. “Nếu thuế để lại cho địa phương thì có động lực để địa phương thực hiện nhằm tăng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ trở lại cho người dân. Thuế tài sản là loại thuế quốc gia, tỷ lệ thu không nhiều nhưng cần để lại cho địa phương”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành phân tích thêm. Tuy nhiên, muốn cải thiện thu và được sự đồng thuận của người dân thì phải nâng tính giải trình, minh bạch trong các khoản chi của ngân sách.
Rõ ràng, việc ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết, tuy nhiên trong quá trình xây dựng luật, rất cần sự đóng góp của các chuyên gia để bảo đảm tính ổn định, khoa học của các chính sách mới. Điều quan trọng hơn là các chính sách đưa ra phải phù hợp thực tiễn, được xã hội đồng thuận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.