Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi): Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động

Hà Phong| 20/04/2023 06:09

(HNM) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đưa dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Đây là tiền đề để đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động, từ đó thu hút đông đảo người lao động tham gia Công đoàn Việt Nam.

Lãnh đạo Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tặng quà công nhân vệ sinh môi trường. Ảnh: Bách Sen

Giải quyết vướng mắc, bất cập từ thực tiễn

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, mục đích của việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tiếp cận và xử lý các vấn đề mới phát sinh. Từ đó, tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn, góp phần thúc đẩy Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập 3 đoàn khảo sát, đánh giá tình hình 10 năm thực hiện Luật Công đoàn tại 13 tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương; đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Tổ chức Công đoàn đề nghị sửa đổi bổ sung 3 chính sách trong xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Các điểm đáng lưu ý là mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động, bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Ngoài ra, tách bạch quyền giám sát của Công đoàn Việt Nam thành một quyền riêng mang tính độc lập, chủ động của Công đoàn theo hướng: “Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra; thực hiện quyền giám sát”. Đồng thời, làm rõ đối tượng cán bộ công đoàn chuyên trách, từ khâu tuyển dụng đến chính sách tiền lương phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam, hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn.

Góp phần bảo đảm quyền lợi của người lao động

Đón nhận thông tin trên, chị Nguyễn Thị Hoài, công nhân đang ở trọ ở tổ 17, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho rằng, Công đoàn là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Việc xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của Công đoàn Việt Nam. Quan trọng hơn, việc này sẽ giúp ngày càng có thêm nhiều người lao động được quan tâm, hỗ trợ. Theo hướng đi này, tổ chức Công đoàn cũng cần có quy định cụ thể về chức năng giám sát, phản biện xã hội, nhất là về bảo hiểm xã hội, nhà ở, hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hướng tới bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động trong tương lai.

Để bảo đảm hoạt động của Công đoàn, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc nêu quan điểm, Luật Công đoàn (sửa đổi) cần bảo đảm về công tác tổ chức cán bộ, bởi đây là vấn đề quan trọng, quyết định các hoạt động của tổ chức Công đoàn. Nhất trí với dự thảo luật, là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn, công chức, viên chức, bà Nguyễn Thị Thúy Hà đề xuất thêm: Tổng Liên đoàn nên quản lý về quỹ lương, công tác tổ chức của cả hệ thống Công đoàn. 

“Việc quản lý trực tiếp và xuyên suốt về công tác cán bộ sẽ thuận lợi hơn cho tổ chức Công đoàn trong việc tổ chức thi tuyển công chức. Bởi khi được quản lý toàn diện sẽ giúp Tổng Liên đoàn sẽ biết được địa phương nào, ngành nào đang thiếu cán bộ, cần bổ sung... từ đó tổ chức thi tuyển sát với thực tế”, bà Nguyễn Thị Thúy Hà nói thêm.

Trong khi đó, ông Vũ Trường Sơn, Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng đề nghị, cần quy định rõ hơn về cán bộ công đoàn chuyên trách. Từ đó có cơ chế đặc thù, linh hoạt để tăng tính chủ động cho tổ chức Công đoàn trong việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ công đoàn chuyên trách. Điều này càng quan trọng trong điều kiện số lượng công đoàn cơ sở, đoàn viên mỗi năm đều tăng nhanh, còn việc tuyển dụng cán bộ công đoàn chuyên trách thông qua thi tuyển ít.

Quá trình triển khai xây dựng luật, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị, cần lấy thêm ý kiến người sử dụng lao động; làm rõ cơ chế bảo vệ cho nhóm lao động phi chính thức, hướng tới bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động. 

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhìn nhận, việc sửa đổi Luật Công đoàn là một nhiệm vụ khó, có nhiều khía cạnh phức tạp, nhạy cảm. Tổng Liên đoàn luôn cầu thị, lắng nghe, tập hợp đầy đủ các kênh đóng góp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tập trung cho việc nghiên cứu, giải trình những ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, nếu có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi): Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.