Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Khung trình độ Quốc gia: Không chỉ là tấm bằng

H.Đ| 15/08/2013 15:43

(HNMO) - Tại sao phải xây dựng Khung trình độ Quốc gia? Để có thể thúc đẩy hợp tác giáo dục và việc làm giữa các quốc gia trên cơ sở công nhận văn bằng, chứng chỉ của nhau. Để văn bằng trở nên dễ hiểu với người sử dụng lao động và người tốt nghiệp một trình độ....

Hội nghị xây dựng Khung trình độ Quốc gia diễn ra tại Hà Nội sáng 15/8. Ảnh: Báo Điện tử ĐCSVN


Tất cả những điều này đã được khẳng định lại trong Hội nghị Quốc tế: “Xây dựng Khung trình độ quốc gia – Hỗ trợ Việt Nam hội nhập ASEAN” do Hội đồng Anh phối hợp tổ chức cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, diễn ra trong hai ngày 15 và 16/8/2013. Kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trong khu vực và Vương quốc Anh đã được chia sẻ để đóng góp cho quá trình xây dựng khung trình độ quốc gia cho Việt Nam.

Qua phần trình bày của mình về Khung trình độ Quốc gia Vương quốc Anh, ông Mark Novels đã làm được một việc rất khó khăn: quy hoạch cả một “khu rừng” bằng cấp và trình độ của Vương quốc Anh lại theo tám bậc của Khung trình độ quốc gia và biến khái niệm tưởng như khô khan và khó tiếp cận như “khung trình độ quốc gia” thành những câu chuyện dễ hiểu và thiết thực. Quan trọng hơn, ông Mark Novels đã chỉ ra được hai yếu tố quan trọng khiến bằng cấp của Vương quốc Anh được công nhận về chất lượng trên phạm vi thế giới. Thứ nhất, vai trò của Ofqual và Ofsted trong việc bảo đảm chất lượng và niềm tin cho những tấm bằng. Thứ hai, quan điểm “người học là đối tượng cần được bảo vệ cao nhất” trong hệ thống giáo dục của Anh là kim chỉ nam cho mọi chính sách và hoạt động của các cơ quan liên quan.

Về phía Việt Nam, các đại biểu cũng chia sẻ về điểm yếu, cơ hội và những thách thức về văn bằng và trình độ đang tồn tại, và trình bày sơ lược về chiến lược xây dựng khung trình độ quốc gia trong bối cảnh và tiến trình xây dựng Khung tham chiếu trình độ khu vực ASEAN. Theo đó, tại Việt Nam, các văn bằng và trình độ đang được định nghĩa một cách thiếu rõ ràng, khó hiểu, lòng tin của người sử dụng lao động với các văn bằng chưa cao và khả năng quy đổi tương đương bằng cấp của Việt Nam với khu vực và thế giới còn hạn chế.

Đến năm 2012, khoảng 130 nước trên thế giới đã có khung trình độ quốc gia; trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong bốn nước vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh Khung trình độ Quốc gia (cùng với Campuchia, Lào và Myanmar).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Khung trình độ Quốc gia: Không chỉ là tấm bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.