(HNMCT) - Nhà văn Đỗ Phấn từng khẳng định: “Vỉa hè Hà Nội có cuộc sống lâu dài, bền bỉ dưới góc độ văn hóa chứ không chỉ riêng công năng làm đường cho người đi bộ”. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý đô thị, không gian này đang đứng trước yêu cầu quản lý phù hợp để bảo đảm sự hài hòa giữa nhu cầu sinh hoạt, sinh kế với xây dựng nếp sống văn minh. Phóng viên Báo Hànộimới Cuối tuần đã ghi lại ý kiến của một số chuyên gia văn hóa, nhà quản lý xung quanh vấn đề này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh):
Giải pháp lâu bền là tuyên truyền nâng cao nhận thức
Theo định nghĩa của nhà nghiên cứu văn hóa Đào Duy Anh “Văn hóa bao gồm tất thảy những sinh hoạt về vật chất, sinh hoạt tinh thần và sinh hoạt xã hội” thì các sinh hoạt trên vỉa hè có thể gọi là không gian văn hóa bởi ở đó có các sinh hoạt về vật chất, tinh thần, thể hiện thói quen, cách ứng xử... Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, những hoạt động này đang đi ngược lại nỗ lực của thành phố Hà Nội về xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh.
Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội cần phải có một bộ mặt khang trang, văn minh, hiện đại. Chính vì thế, để bảo đảm sự hài hòa giữa hai luồng nhu cầu này, những giải pháp được đề ra và việc thực hiện không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Trước đây đã có rất nhiều chỉ thị về chấn chỉnh, làm cho vỉa hè Hà Nội quang đãng hơn, và tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ và lâu bền nhất chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực “36 phố phường” vì vỉa hè ở đó gắn liền với sinh kế của họ. Thêm vào đó, cần huy động người dân, các tổ chức đoàn thể, các cấp hội phụ nữ, thanh niên... tham gia công tác gìn giữ trật tự vỉa hè. Bởi lực lượng quản lý trật tự vỉa hè của các phường, xã, thị trấn hiện nay khá mỏng, họ cũng không thể túc trực 24/24 giờ tại đó...
Chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền phường, xã, thị trấn, các cấp hội phụ nữ, thanh niên tại cơ sở và đặc biệt là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân được đẩy mạnh thì trật tự vỉa hè mới được bảo đảm.
Kiến trúc sư Vũ Hoài Đức (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội):
Quản lý theo đặc điểm từng tuyến phố
Từ xa xưa, đường phố Thủ đô đã trở thành không gian công cộng bên cạnh chức năng giao thông thuần túy. Điều này xuất phát từ lối sống của người Hà Nội ở khu “36 phố phường”. Cả khu phố có thể coi chính là một “khu chợ” bên cạnh chức năng ở và sản xuất thủ công. Phố ở đó trở thành nơi buôn bán, giao tiếp cộng đồng. Vỉa hè đã trở thành không gian hàm chứa nhịp sống của Hà Nội và theo những giai đoạn lịch sử đã hình thành nét văn hóa riêng. “Có một phố vừa đi qua phố” chính là một câu thơ phản ánh rất chân thực nét văn hóa sống động trên phố và vỉa hè Hà Nội.
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh quản lý và quy hoạch, để vừa bảo đảm các giá trị văn hóa của không gian này, vừa đáp ứng các yêu cầu của đô thị hiện đại, đầu tiên cần có các nghiên cứu, đánh giá cụ thể để phân loại các tuyến đường, tuyến phố; cần có sự can thiệp và xác định công cụ để thực hiện việc quản lý. Tiếp đó, rất cần có quy định quản lý hoạt động xã hội tùy theo đặc điểm của từng tuyến phố. Tuyến đường phố có các công sở, công trình công cộng hay các khu vực không có nhu cầu... đương nhiên không thể cho phép diễn ra các hoạt động xã hội. Các khu vực cho phép hoạt động kinh doanh trên hè phố cần đảm bảo sự đồng nhất về phạm vi sử dụng; quy định thống nhất về quy cách của các cấu kiện có liên quan, như ô, dù, biển hiệu, bàn ghế, tủ hàng; hình thức bố trí đảm bảo trật tự..., thậm chí cả thời gian được phép và không được phép. Nhất thiết phải có quy định về việc tự thu gom rác của các chủ thể sử dụng vỉa hè, tăng tần suất thu gom rác tập trung của các đơn vị vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, cần chú trọng thiết kế đô thị và sử dụng các kỹ thuật thiết kế để đảm bảo các hoạt động trên hè phố văn minh hơn. Ví dụ có thể sử dụng các dải trồng hoa, cây hay các thiết bị có tác dụng ngăn cách đường với hè nhằm đảm bảo tách hoạt động giao thông, tránh tình trạng mua bán giữa người tham gia giao thông với người bán hàng trên hè. Đây cũng là giải pháp để tách lối đi dành riêng cho người đi bộ khỏi khu vực có các hoạt động kinh doanh. Những vỉa hè nhỏ, có nhiều hoạt động xã hội trong đô thị có thể xem xét hình thành các tuyến phố cấm xe có động cơ, chỉ phục vụ đi bộ, xe đạp. Những vỉa hè có điều kiện trở thành nơi diễn ra các hoạt động thể dục, văn nghệ của thanh niên hay các nhóm xã hội có thể khuyến khích bằng việc tạo nên các khu vực có thiết kế riêng...
Ông Phạm Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân):
Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ
Thực hiện kế hoạch của UBND quận Thanh Xuân về việc xây dựng mô hình tổ dân phố văn hóa “5 không” trên địa bàn quận, UBND phường Khương Mai đã lựa chọn các tổ dân phố trên tuyến phố Lê Trọng Tấn làm điểm xây dựng mô hình “Tổ dân phố 5 không”, trong đó có yêu cầu không tệ nạn xã hội, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè...
Những ngày đầu, UBND phường gặp nhiều khó khăn khi một số người dân đã lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để dựng biển quảng cáo, làm nơi buôn bán, kinh doanh, bày bán hàng, ý thức chấp hành các quy định về trật tự đô thị, trật tự công cộng còn hạn chế. Dù nhiều lần cơ quan quản lý “ra quân” nhằm lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, tuy nhiên, việc chiếm dụng trái phép vỉa hè vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt là trong khoảng thời gian ngoài giờ hành chính. Tuy nhiên, với sự kiên trì, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tại tuyến phố Lê Trọng Tấn của cơ quan chức năng, cùng với đó là việc ứng dụng hệ thống camera giám sát một cách hiệu quả đã giúp UBND phường xử lý kịp thời đối với nhiều trường hợp vi phạm. Kết quả, trong 3 năm qua, việc triển khai thực hiện mô hình “5 không”, việc quản lý lòng đường, vỉa hè tại phường Khương Mai đã đạt được những kết quả tích cực. 100% số hộ gia đình đã ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, giúp mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo đảm trật tự đô thị và vệ sinh môi trường.
Để có kết quả đó, kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra chính là phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ qua việc tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ. UBND phường cũng đã tổ chức hội nghị tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến phản ánh từ các tổ dân phố, từ đó tiếp tục đề ra các giải pháp hiệu quả hơn, trong đó có việc thành lập đường dây nóng để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Thực tế, đây là công việc không chỉ cần sự hiểu biết về luật pháp mà quan trọng không kém là những kỹ năng khác trong giao tiếp, xử lý các vấn đề liên quan đến đời sống của người dân, nhất là khi không gian vỉa hè là nơi thể hiện nếp sống, thói quen, nhu cầu sinh kế... Chỉ có tinh thần trách nhiệm và sự kết hợp nhiều giải pháp một cách đồng bộ thì mới có thể triển khai tốt công tác quản lý vỉa hè.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.