Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng đường hành lang chân đê: Giải pháp đa mục tiêu

Kim Nhuệ| 02/03/2018 07:16

(HNM) - Mặc dù thành phố liên tục chỉ đạo các quận, huyện, thị xã kiên quyết xử lý vi phạm nhưng tình trạng xâm hại công trình đê điều vẫn tiếp diễn.



Năm 2017, UBND thành phố ban hành 50 văn bản, Sở NN&PTNT Hà Nội, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão ban hành 120 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương kiên quyết xử lý, ngăn chặn các vi phạm pháp luật đê điều. 17 hạt quản lý đê thường xuyên kiểm tra, phát hiện và kịp thời lập biên bản các trường hợp vi phạm; gửi hồ sơ đề nghị các cấp chính quyền xử lý. Tuy nhiên, kết thúc năm 2017, trên địa bàn 23 quận, huyện, thị xã vẫn phát sinh 182 vụ xâm hại công trình đê điều. Đáng nói hơn, các địa phương này mới xử lý được 21 vụ, tồn đọng 161 vụ.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho rằng, một số địa phương có đê đi qua, chính quyền và người dân chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ đê. Thậm chí, chính quyền một số địa phương có biểu hiện né tránh giải quyết vi phạm mà các hạt quản lý đê kiến nghị. Ngoài ra, một số nơi chưa quan tâm đúng mức công tác quản lý, bảo vệ các khung khống chế tải trọng. Đơn cử như tại huyện Ba Vì, cơ quan quản lý rất quyết liệt mới “cắm” được mố hạn chế phương tiện quá khổ, quá tải lưu thông trên mặt đê nhưng do thiếu trách nhiệm của địa phương nên để xảy ra tình trạng đối tượng vi phạm cạp đê, vòng tránh mố hạn chế tải trọng…

Tại các huyện Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì…, việc xử lý vi phạm đê điều hiện gặp nhiều khó khăn vì một số tuyến đê đi qua các làng cổ, khu dân cư. Khi thực hiện Luật Đê điều, mở rộng hành lang bảo vệ đê đã xảy ra tình trạng “đê lấn nhà”, dẫn đến có ngôi nhà tồn tại từ lâu trở thành công trình vi phạm… Bên cạnh đó, nhiều tuyến đê hiện chưa được cắm chỉ giới, xây dựng đường hành lang chân đê. Đặc biệt, do nhu cầu phát triển kinh tế của nhân dân ngày càng cao nên việc hạn chế phương tiện lưu thông trên đê đã gây phản ứng từ phía người dân…

Để bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội… các địa phương đề xuất thành phố đầu tư xây dựng các tuyến đường hành lang chân đê. Thực tế, giải pháp đầu tư xây dựng các tuyến đường hành lang chân đê trên địa bàn huyện Ba Vì đã chứng minh hiệu quả. Ông Đào Quốc Vương, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ba Vì cho biết, trước đây do tuyến đường hành lang chân đê nhỏ hẹp, mấp mô, lầy lội nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi thành phố đầu tư xây dựng gần 45km đường hành lang chân đê hữu Đà, hữu Hồng, qua 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì, số phương tiện lưu thông trên đê giảm, không còn tình trạng tự ý mở lối lên mặt đê, nhân dân chủ động trồng cây xanh, tạo cảnh quan sạch, đẹp cho tuyến đê… Cũng nhờ tuyến đường mới, công tác quản lý, xử lý vi phạm và ứng phó các sự cố đê điều trong mùa mưa bão sẽ thuận lợi hơn…

Ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, hiện trên địa bàn thành phố đã đầu tư được hơn 224km đường hành lang các tuyến đê trọng điểm đi qua khu dân cư. Tại những tuyến đê này, số vụ vi phạm về mái đê, thân đê, hành lang bảo vệ đê đã giảm hơn so với trước. Để phát huy hiệu quả giải pháp này, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 36 đường hành lang chân đê các tuyến đê sông Hồng, Đà, Đáy, Đuống… Tuy nhiên, trước khi triển khai xây dựng, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ trách nhiệm bảo vệ, quản lý công trình phòng, chống thiên tai… Bởi đê điều là công trình bảo vệ tính mạng, tài sản cho chính nhân dân địa phương và cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đường hành lang chân đê: Giải pháp đa mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.