(HNM) - Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất giai đoạn 1 của 4 trụ cột thuộc Đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Hiện, người dân bắt đầu được hưởng những tiện ích thiết thực mà mô hình đô thị thông minh mang lại và đây là cơ sở để thành phố tiếp tục hoàn thiện nền tảng đô thị thông minh trong thời gian tới.
Thành quả bước đầu
Mỗi ngày, gia đình anh Trần Minh An ở hẻm 319A, đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) đều cập nhật thông tin của cháu Trần Mai Anh đang học lớp 6, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) từ chiếc điện thoại thông minh khi truy cập ứng dụng “Trường học thông minh”. Mọi hoạt động của cháu Trần Mai Anh ở trường như: Thời gian lên xe, xuống xe đưa đón học sinh; thời gian điểm danh vào lớp; các món đồ ăn tại trường… đều được cập nhật vào chiếc thẻ thông minh VinaID của mỗi học sinh dùng để tích hợp thông tin, đưa lên ứng dụng “Trường học thông minh”. “Tôi thấy ứng dụng “Trường học thông minh” rất thuận tiện để gia đình và nhà trường cùng quản lý học sinh”, anh Trần Minh An nói.
Thầy giáo Phạm Duy Tâm (Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình) cho biết, việc sử dụng ứng dụng “Trường học thông minh” là một mô hình do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn triển khai, nằm trong tổng thể phát triển thành phố thông minh. Hiện, thẻ VinaID đang được thử nghiệm tại một số trường học tại thành phố mang tên Bác.
Trong lĩnh vực giao thông, hơn 6 tháng qua, hành khách đi trên các tuyến xe buýt số 59, 72 và 86 tại thành phố Hồ Chí Minh đã được sử dụng thẻ thanh toán thông minh. Chương trình mang tên UniPass do Sở Giao thông - Vận tải thành phố thực hiện. Bạn Trần Trọng Hiếu, sinh viên Học viện Quân y đi lại thường xuyên trên tuyến buýt 59 cho biết, thẻ thanh toán thông minh rất tiện lợi, hành khách lên xe chỉ cần quẹt thẻ hoặc sử dụng mã QR để thanh toán tiền đi xe và không cần xác nhận đối tượng được miễn giảm vé. Còn theo ông Đinh Duy Thành, Trưởng nhóm triển khai đề án UniPass, hiện đã có 5.000 thẻ UniPass được phát hành. Số lượng thẻ sẽ tiếp tục được nâng cao và tích hợp thêm tính năng thanh toán các dịch vụ công cộng khác để tạo tiện ích trong sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Thẻ VinaID hay thẻ UniPass chỉ là một trong số các tiện ích thông minh mà người dân thành phố Hồ Chí Minh được thụ hưởng trong hơn 2 năm triển khai Đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Có thể kể thêm, ứng dụng chính quyền trực tuyến giúp người dân thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn, minh bạch hơn; ứng dụng y tế thông minh giúp người dân đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, tự lựa chọn bác sĩ tư vấn, không mất thời gian xếp hàng lấy số thứ tự... Thành phố cũng đã triển khai thực hiện các Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, Trung tâm An toàn thông tin thành phố Hồ Chí Minh và Kho dữ liệu dùng chung cùng việc phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố...
Tiếp tục hoàn thiện nền tảng đô thị thông minh
Hiện, các sở, ngành, địa phương của thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục hoàn thiện nền tảng đô thị thông minh. Cụ thể, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai dự án “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2025” để đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị thông minh. Ngoài ra, theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, các ban, ngành chức năng thành phố đã hoàn thiện được mối liên kết Nhà nước trong mô hình vận hành Nhà nước - Người dân - Nhà nước và đang tiếp tục xây dựng mối liên kết người dân thông qua việc cung cấp các tiện ích.
Thực tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho thấy đã xuất hiện những mô hình quản lý đô thị thông minh mang lại hiệu quả thiết thực, được đánh giá là có thể nhân rộng. Nổi bật là gần 2 năm qua, 20.000 người sống và làm việc trong Công viên Phần mềm Quang Trung - QTSC (thành phố Hồ Chí Minh) có thể bao quát mọi tình hình của khu vực chỉ bằng một màn hình trong phòng làm việc hoặc thiết bị di động thông minh kết nối internet, sử dụng hệ thống giám sát điều hành QTSC. Ông Lê Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển phần mềm Quang Trung đánh giá đây là phiên bản thu nhỏ quản lý, vận hành đô thị thông minh, có thể mở rộng quy mô ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành sớm cung cấp thêm dữ liệu lên mạng, như: Các thông tin về quy trình, thời hạn giải quyết các loại hồ sơ; cơ sở dữ liệu từ cấp mầm non đến đại học; cơ sở dữ liệu về y tế, địa chính; các thông tin về dịch vụ (ăn uống, khách sạn)..., để người dân có thể tiếp cận ngay. "Năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực của bộ máy công quyền, tạo ra mối quan hệ giao dịch hành chính giữa công chức và người dân theo hướng minh bạch, công khai, tiến tới nghiên cứu xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy năng động, hiệu quả", Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.