(HNMO) - Chiều 7-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì họp Ban chỉ đạo TƯ về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các bộ, ngành cần triệt để tiết kiệm chi tiêu, quyết liệt thực hiện khoán chi, phòng chống lãng phí; các tỉnh, thành phố sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương và một phần tăng thu ngân sách TƯ để cải cách chính sách tiền lương. Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo TƯ về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, cần khẩn trương xây dựng chương trình công tác nhiệm kỳ 2016-2020, triển khai xây dựng 3 đề án về cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; cải cách chính sách BHXH; cải cách chính sách ưu đãi người có công.
Về phương án nâng lương tối thiểu vùng năm 2017, đây là nội dung nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Bộ LĐTB&XH cần hoàn thiện khâu lấy ý kiến đóng góp, trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, lương tối thiểu vùng năm 2017 sẽ tăng từ 7,1% đến 7,5%, tương ứng với mức tăng lần lượt từ vùng 1 đến vùng 4 là 250.000- 220.000- 200.000-180.000 đồng; như vậy lương tối thiểu năm 2017 từ vùng 1 đến vùng 4 sẽ là 3,75-3,32-2,90-2,58 triệu đồng.
Tuy vậy, các doanh nghiệp hiện còn gặp khó khăn, Bộ LĐTB&XH cần tổ chức đánh giá tác động của tăng lương tối thiểu vùng đối với sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, với đời sống người lao động, xây dựng lộ trình tăng lương tối thiểu theo Nghị quyết 35 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ cần phối hợp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, đưa nội dung lương tối thiểu vào Bộ luật Lao động; tìm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm đời sống người lao động, tạo đồng thuận xã hội; đánh giá tỷ lệ đóng – hưởng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nhằm hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động.
Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn tất quy trình, đẩy nhanh việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp công. Trong đó, đơn vị sự nghiệp công được phép tự chủ tài chính, tổ chức, biên chế, xác định vị trí việc làm, sao cho không ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động; được phép hạch toán như doanh nghiệp nếu đủ khả năng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.