Con đường hiện thực hóa giấc mơ xuất khẩu âm nhạc của Việt Nam chắc chắn còn là chặng đường dài với nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cộng đồng những người làm nghệ thuật.
Làm thế nào để phát huy những tiềm năng đã khơi mở, đưa thị trường âm nhạc Việt Nam ra nước ngoài một cách chuyên nghiệp, bền vững để trở thành mũi nhọn cho phát triển công nghiệp văn hóa là bài toán không đơn giản nhưng không còn quá xa vời. Các chuyên gia, nhà sản xuất âm nhạc đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Nhạc sĩ Lưu Quang Minh:
Kiến tạo giá trị âm nhạc mới từ truyền thống
Để phát triển thị trường âm nhạc chuyên nghiệp, có thể xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, giải trí một cách thường xuyên hơn, tạo thành lực đẩy cho công nghiệp văn hóa, việc bắt nhịp với thời đại sẽ là thách thức lớn với các nghệ sĩ.
Thời gian qua, các nghệ sĩ trẻ Việt Nam đã rất sáng tạo khi đưa vào các sản phẩm mới những giá trị truyền thống. Có nghệ sĩ xuất thân từ ca sĩ thính phòng nhưng lại chọn âm nhạc truyền thống để xây dựng thương hiệu, chẳng hạn như Vũ Thùy Linh với sản phẩm “Tơ đồng thánh thót” vẫn giữ lối hát nguyên gốc cổ của các loại hình như chèo, quan họ, xẩm, chầu văn trên nền nhạc giao hưởng. Cách làm này nhằm góp phần tôn vinh, quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam tới gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời, sản phẩm này sẽ dễ dàng biểu diễn ở nước ngoài để quảng bá cho văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, có những nghệ sĩ thể hiện ca khúc với phong cách sáng tác nhạc hoàn toàn mới nhưng dựa trên chất liệu dân gian, giúp tăng tính nhận diện cho nhạc Việt như Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy, Double2T (Bùi Xuân Trường), Soobin Hoàng Sơn... Các ca khúc của họ dù phối khí trên nền nhạc hiện đại nhưng người nghe vẫn định vị được âm nhạc Việt Nam dựa vào chất liệu âm nhạc dân gian được sử dụng kết hợp rất sáng tạo và khéo léo.
Từ thực tế cách làm của những nghệ sĩ trẻ thời gian qua có thể thấy, sự đổi mới tư duy trong sáng tác ca khúc đang tạo nên một trào lưu âm nhạc quảng bá văn hóa Việt Nam rất hiệu quả, giúp nhạc Việt tạo được bản sắc và có sức lan tỏa rộng khắp trong nước và trên thị trường quốc tế. Tôi cho rằng, để nhạc Việt vươn ra thế giới, điều cốt lõi vẫn là giữ gìn bản sắc. Khi nghệ sĩ ý thức được những giá trị trường tồn của âm nhạc truyền thống, vận dụng và sáng tạo với một tinh thần của thời đại thì sẽ tạo nên những tác phẩm có sức ảnh hưởng và lan tỏa tốt.
Nhạc sĩ Dương Cầm:
Tận dụng sức mạnh của công nghệ số
Để sản phẩm âm nhạc tiệm cận được thị trường quốc tế, chinh phục khán giả ở nước ngoài, cần phải nắm bắt được xu hướng, công nghệ làm nhạc của quốc tế.
Hiện nay, rất nhiều nghệ sĩ đã tận dụng công nghệ, phát triển con đường nghệ thuật trên nền tảng số hiệu quả. Xu hướng âm nhạc không biên giới thịnh hành là cơ hội để nhiều sản phẩm âm nhạc ra mắt với phiên bản số được xuất hiện trên các trang nghe nhạc quốc tế. Trên thế giới và tại Việt Nam, có không ít ca sĩ ra mắt sản phẩm trực tuyến trước khi xuất hiện chính thức trên sân khấu, như Thùy Chi, Bảo Thy, Giang Trang, Lan Phương, Kim, Sơn Ca... Không ít nghệ sĩ trẻ hiện nay thể hiện sự đa năng từ khả năng sản xuất, sáng tác lẫn biểu diễn và có những sản phẩm nhạc “gây sốt” trong thời gian ngắn phát hành online như Soobin Hoàng Sơn, Hieuthuhai... Họ đã tận dụng công nghệ trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật hiệu quả và thành công, tạo được thương hiệu cá nhân.
Nhìn lại những ca khúc Việt Nam đã tạo được sức hút với khán giả quốc tế như “See tình” của Hoàng Thùy Linh gây sốt ở các thị trường âm nhạc Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ; bài hát “Vũ trụ có anh” của Phương Mỹ Chi được người Thái Lan yêu thích, chia sẻ rầm rộ..., có thể thấy công nghệ đã tạo được sự lan tỏa nhanh chóng giúp nghệ sĩ và tác phẩm thăng hoa hơn.
Rất nhiều ca khúc được phối lại bằng nhiều phiên bản gần gũi hơn với phong cách âm nhạc của thị trường âm nhạc quốc tế, giúp cho các ca khúc Việt được biết đến nhiều hơn. Điều đó cho thấy, trong thời đại công nghệ số, mọi sáng tạo đều được mở rộng không biên giới thì nghệ sĩ cần nắm bắt công nghệ và những cơ hội từ công nghệ. Tuy nhiên, khi tham gia vào môi trường sáng tạo trong không gian số, nghệ sĩ cần quan tâm đến vấn đề bản quyền, tôn trọng sự sáng tạo của người khác và có những biện pháp để bảo vệ sản phẩm của mình.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long:
Nâng cao trình độ với xu hướng quốc tế hóa
Một trong những kỹ năng của nghệ sĩ để thu hút người hâm mộ là khả năng giao tiếp, kết nối với khán giả. Khi ra môi trường quốc tế, càng đòi hỏi nghệ sĩ phải sử dụng kỹ năng này một cách chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp không chỉ thể hiện ở việc giao tiếp thông thường mà còn phải ở cả trình độ, kiến thức, tác phong làm việc.
Khi nhóm nhạc BlackPink sang Việt Nam, có thể thấy khả năng giao tiếp tiếng Anh của họ khá tốt. Họ cũng tìm hiểu rất kỹ văn hóa Việt Nam để có thể nói chuyện, giao lưu, làm hài lòng người hâm mộ Việt Nam bằng sự giao tiếp duyên dáng khi đưa hình ảnh nón lá lên sân khấu biểu diễn. Điều đó nói lên rằng, với những nghệ sĩ ở đẳng cấp quốc tế, ngoài sản phẩm âm nhạc chất lượng thì bản thân họ luôn phải không ngừng rèn luyện để có được sự tự tin, giao tiếp với khán giả của mình dù ở quốc gia nào...
Với nghệ sĩ Việt Nam, một trong những điểm yếu là khả năng giao tiếp ngoại ngữ chưa tốt. Đa số nghệ sĩ Việt biểu diễn ở nước ngoài là trong các chương trình giao lưu văn hóa, hoặc biểu diễn cho người Việt ở nước ngoài, chưa có show diễn mang tầm quốc tế đúng nghĩa. Thực tế, Việt Nam không phải là thị trường hát tiếng Anh vì thế có không ít chương trình biểu diễn hướng tới đối tượng khách nước ngoài, các đơn vị tổ chức trong nước lại mời các ca sĩ đến từ Philippines, Indonesia, Singapore... sang biểu diễn. Đó là điều khá đáng tiếc!
Tuy nhiên, chúng ta đang có những lứa nghệ sĩ trẻ tài năng thì việc hướng tới tạo được một thị trường âm nhạc có thể xuất khẩu được ra quốc tế là có tính khả thi, trước hết là với thị trường trong khu vực châu Á. Để hiện thực hóa giấc mơ xuất khẩu âm nhạc, ngoài việc trau dồi kỹ năng giao tiếp, thông thạo ngoại ngữ, các nghệ sĩ và ê kíp của mình cần xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, cởi mở và sẵn sàng hợp tác. Để vươn mình ra thế giới thì bản thân mỗi người cần phải học cách hoàn thiện bản thân, đáp ứng được các tiêu chí làm việc khắt khe ở thị trường giải trí quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.