Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng ''Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai''

Kim Nhuệ| 03/07/2022 06:21

(HNM) - Trước diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, thành phố Hà Nội đang xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai đến năm 2025 hướng tới mục tiêu “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai”. Liên quan vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT), Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Duy Du.

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Duy Du.

Đối mặt với nhiều thách thức

- Có ý kiến cho rằng, Hà Nội không nằm trong vùng thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai lớn nên tổn thất không nghiêm trọng so với các tỉnh, thành phố khác. Ông đánh giá gì về ý kiến này?

- Theo tôi, ý kiến trên là chưa chính xác. Thực tế, Hà Nội từng xuất hiện các loại hình thiên tai lớn, như: Bão, lốc, sét, mưa lớn diện rộng, ngập lụt, lũ, sạt lở đất, rét hại, nắng nóng gay gắt, hạn hán, cháy rừng... Đơn cử trận mưa ngày 29-5 vừa qua, chỉ trong 2 giờ, tổng lượng mưa lớn nhất ghi nhận được tại Trạm đo Láng đã đạt 140mm, vượt kỷ lục ngày 18-6-1986 là 7,5mm. Hoặc năm 2008, tổng lượng mưa trong 3 ngày tại Hà Nội phổ biến ở mức 350-550mm, một số nơi lớn hơn như huyện Thanh Oai 914mm, quận Hà Đông 707mm, huyện Ứng Hòa 603mm... Đây là lượng mưa lớn nhất trong vòng 100 năm qua tại khu vực Hà Nội.

Đặc biệt, mưa lớn kéo dài từ ngày 18 đến 30-7-2018 đã làm mực nước sông Bùi dâng cao, vượt ngưỡng lịch sử năm 2008. Lũ lớn đã làm tràn, vỡ nhiều đoạn đê cấp IV, gây ngập lụt kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân thuộc vùng hữu sông Tích, sông Bùi: Hơn 3.034 hộ với 12.136 nhân khẩu tại nhiều xã thuộc các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai bị ngập lụt trong gần 20 ngày... Những con số thống kê cũng cho thấy, số trận mưa lớn hơn 100mm xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, Hà Nội nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng nên cũng bị tác động từ lũ thượng nguồn và trực tiếp là việc xả lũ của các hồ thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang. Cụ thể hơn, trong đợt mưa lũ xảy ra từ ngày 11 đến 20-10-2017, hồ thủy điện Hòa Bình đã phải mở khẩn cấp 8 cửa xả đáy. Nếu tiếp tục xảy ra mưa lớn, lũ lên cao và mở thêm cửa xả hồ thủy điện thì Hà Nội sẽ phải sơ tán số lượng lớn dân cư sinh sống ngoài đê, bãi sông... Ngoài thách thức trên, các huyện phía Tây thành phố còn thường xuyên bị ảnh hưởng lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về.

Những ví dụ trên cho thấy, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường và chỉ có thể giảm thiệt hại khi chúng ta chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó...

- Ngoài thời tiết, công tác phòng, chống thiên tai của Hà Nội còn những thách thức nào, thưa ông?

- Cũng như các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội còn đối mặt với hai thách thức lớn, đó là cơ sở hạ tầng và nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là khi xuất hiện các loại hình thiên tai có cường độ lớn, không xảy ra thường xuyên. Cụ thể hơn, Hà Nội còn khoảng 0,85% dân số sinh sống trong nhà thiếu kiên cố, đơn sơ; gần 1 triệu người sống tại các khu dân cư ngoài bãi sông; nhiều đoạn đê, tuyến đê thuộc hệ thống sông Đáy còn thiếu cao trình, chưa đủ mặt cắt và liền tuyến... Nhiều hồ đập, trạm bơm làm nhiệm vụ phòng, chống úng ngập, hạn hán, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, Hà Nội còn nhiều vị trí đê trọng điểm, xung yếu, nhiều trọng điểm ngập lụt đô thị và mật độ dân số đông…, đang tạo ra những thách thức ngày càng lớn trong công tác phòng, chống thiên tai.

Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó

- Được biết, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tham mưu UBND thành phố xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai đến năm 2025. Mục đích của việc xây dựng kế hoạch là gì, thưa ông?

- Kế hoạch này là cơ sở để các ngành, các cấp của thành phố huy động nguồn lực, chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và ổn định đời sống nhân dân; bảo đảm việc xây dựng các quy hoạch, kết cấu hạ tầng phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống thiên tai. Trên cơ sở kế hoạch này, Hà Nội huy động các nguồn lực củng cố, nâng cấp hệ thống đê điều, bảo đảm an toàn hồ chứa, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra…

- Một trong những biện pháp quan trọng để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra là giải pháp phi công trình. Với Hà Nội, vấn đề này sẽ được quan tâm thế nào, thưa ông?

- Giai đoạn 2022-2025, Hà Nội sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai; kiện toàn tổ chức, bộ máy và tăng cường năng lực quản lý thiên tai; lập, rà soát quy hoạch bố trí dân cư vùng sát chân đê, trong hành lang đê điều. Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, bảo đảm năng lực hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, Hà Nội tập trung thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”; đầu tư, tăng cường năng lực và trang thiết bị cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp, chủ động, nhanh, chính xác đáp ứng hoạt động cứu hộ, cứu nạn; mua sắm, bổ sung vật tư, công cụ, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai…

Để thích ứng với thiên tai, Hà Nội tiếp tục điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại về người, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân. Trong giai đoạn 2022-2025, Hà Nội tăng cường tuyên truyền về quản lý, 
bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ người dân về cây giống, khoa học kỹ thuật..., nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

- Như ông đã nói, cơ sở hạ tầng của Hà Nội hiện chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai vượt công suất, tần suất thiết kế. Về vấn đề này, Hà Nội sẽ có giải pháp như thế nào trong thời gian tới?

- Giai đoạn 2022-2025, Hà Nội sẽ huy động các nguồn lực để cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều, công trình thủy lợi bảo đảm an toàn phòng, chống úng ngập, hạn hán và chống lũ cho những vùng có nguy cơ ngập cao, như lưu vực sông Tích, sông Mỹ Hà...; đồng thời, xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ sông khỏi sạt lở ở các khu vực gần đê, gần khu dân cư; tiếp tục tăng cường năng lực tiêu thoát nước cho các sông, kênh, hồ điều hòa; hoàn thiện hệ thống trạm bơm tiêu thoát nước và cải tạo, nâng cấp mở rộng, bảo trì, duy tu và sửa chữa định kỳ các tuyến cống thoát nước; thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, di dời các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

Song song với biện pháp công trình, Hà Nội tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thoát nước trên cơ sở cập nhật hiện trạng phát triển đô thị và hệ thống hạ tầng có xét đến các trận thiên tai lịch sử đã xảy ra, tính đến các yếu tố bất thường của thời tiết và biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực cảnh báo và kiểm soát úng ngập đô thị bằng hệ thống quan trắc và điều hành phù hợp...

Tóm lại, Hà Nội đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng xã hội an toàn, bền vững và thích ứng với thiên tai.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng ''Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.