Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng chuẩn mực đạo đức trong giai đoạn mới

Quốc Bình| 12/06/2023 07:00

(HNM) - Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là yêu cầu cấp thiết. Thực tiễn đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ việc này, đề xuất với Bộ Chính trị ban hành làm căn cứ tổ chức thực hiện. Qua đó, đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Quang cảnh hội thảo khoa học quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, tháng 5-2023. Ảnh: Như Quỳnh

Nhiệm vụ cần thiết, quan trọng

Chuẩn mực đạo đức là những nguyên tắc, quy tắc đạo đức được mọi người thừa nhận trở thành những mực thước, khuôn mẫu để xem xét đánh giá và điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội.

Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là cần thiết. Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Lê Hoàng Anh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội) từng nhìn nhận, pháp luật và đạo đức là hai quy phạm chủ yếu, quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội. Thời gian qua, hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện, nhưng quan hệ xã hội ngày càng khiến cử tri lo lắng. Nhiều cử tri cho rằng đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, đạo đức gia đình đang đều xuống cấp.

Đồng quan điểm, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức góp phần hỗ trợ, bổ sung cho pháp luật khi hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, hoàn thiện; điều chỉnh những lĩnh vực, những mối quan hệ mà pháp luật không hoặc chưa vươn tới.

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, kết quả cuộc thăm dò dư luận xã hội về vấn đề này cho thấy, hơn 95% những người được hỏi đều nhấn mạnh: Xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là rất cần thiết, rất quan trọng. Hơn 76% cho là rất cần thiết, còn lại xác định là cần thiết. Điều này cho thấy nhu cầu của cán bộ, đảng viên và mong muốn của nhân dân về vấn đề này là rất lớn.

Thực tiễn cho thấy, khi người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng.

Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới còn là nhiệm vụ chính trị được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”.

Hai phương án đề xuất

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, về mặt phương pháp luận khi xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên phải tính tới chuẩn mực nổi bật xuyên suốt của đảng viên là đạo đức trong quan hệ với dân tộc, Đảng, Nhà nước, nhân dân. Tiếp đến là đạo đức trong quan hệ với tự nhiên, với xã hội, với lịch sử, truyền thống, dòng họ, gia đình, quê hương; đạo đức trong quan hệ với chính mình, công việc, đồng chí, đồng nghiệp...

“Xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên phải chú ý cả ý thức đạo đức, quan hệ đạo đức, thực hành đạo đức. Học theo Bác khi thiết kế chuẩn mực đạo đức phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra khi thực hiện”, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ nêu rõ.

Hiện nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên trong giai đoạn mới. Đề xuất của Ban Tuyên giáo Trung ương dự kiến có hai phương án. Phương án một là nêu các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, đồng thời xác định các thành tố tạo thành nội hàm, tiêu chuẩn của từng chuẩn mực. Đó là: Trung thành với Đảng, với nước; phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; bản lĩnh, kiên định, tận tụy, sáng tạo; dân chủ, kỷ cương; tự cường, kiên quyết; nghĩa tình, đoàn kết... Phương án hai là quy định của Đảng, chỉ nêu các chuẩn mực, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thuộc. Cụ thể: Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; tận tụy với công việc, nhân nghĩa với người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; giữ gìn danh dự, đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, kiên định, trí, dũng, tự cường; trách nhiệm, trung thực, tiền phong, kiên quyết; tu dưỡng, nêu gương, tự soi, tự sửa...

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nêu ý kiến: “Tôi đồng tình với Ban Tuyên giáo Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị ban hành “Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” theo một trong hai phương án nêu trên, làm chuẩn mực chung để các ban, bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa”.

Nhà báo Hà Đăng đồng thời nhấn mạnh, quy định này được ban hành sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chuẩn mực đạo đức trong giai đoạn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.