(HNM) - Với quyết tâm xây dựng chính quyền phục vụ, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều cách làm mới. Người dân đến giao dịch tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố đã ngày càng hài lòng hơn.
Một trong những chuyển biến rõ nét nhất là ở chỉ số nội dung “thủ tục hành chính công” trong chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2016 (PAPI) của Hà Nội đã có bước tiến mới. Nếu như năm 2015, chỉ số nội dung “thủ tục hành chính công” của thành phố nằm trong nhóm thấp điểm nhất thì năm 2016 đã vươn lên nhóm điểm trung bình cao. Kết quả này là do thành phố đã thấy được những điểm người dân chưa hài lòng để đưa ra biện pháp cải tổ ở cả 4 tiêu chí: Phí và lệ phí làm thủ tục được niêm yết công khai; công chức thạo việc; công chức có thái độ lịch sự; nhận được kết quả đúng lịch hẹn.
Dễ thấy những chuyển biến từ khi thành phố ra Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND ngày 8-3-2016 về việc ban hành quy định thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội với những điểm mới, tiến bộ như: Quy định công khai kết quả giải quyết công việc, thống nhất thời gian làm việc của bộ phận “một cửa” trong toàn thành phố, đặc biệt là cơ quan hành chính nhà nước phải có thư xin lỗi công dân nếu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) chậm muộn. Với các quy định chặt chẽ đó, việc thực hiện cơ chế “một cửa” của 22/22 sở, cơ quan ngang sở, 30/30 quận, huyện, thị xã và 584/584 xã, phường, thị trấn đã đi vào nền nếp.
Theo thống kê của Sở Nội vụ, tỷ lệ TTHC đưa vào giải quyết tại bộ phận “một cửa” đạt 98%. Năm 2016, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn toàn thành phố là 98,81%. Thành phố cũng đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 tạo thuận lợi cho công dân. Và để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, thành phố đã quyết định từ ngày 10-3-2017 tổ chức làm việc vào sáng thứ bảy hằng tuần để tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Điều quan trọng là để triển khai các nội dung đó hiệu quả, cán bộ, công chức đã sẵn sàng “nhận phần khó về mình”. Trong việc triển khai DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã, phường, sau vài tháng thực hiện, hầu hết người dân vẫn còn chưa thạo nên cán bộ nhiệt tình hướng dẫn. Bà Nguyễn Thị Phương Lan, cán bộ bộ phận “một cửa” của UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ) cho biết: “Từ khi triển khai DVCTT mức độ 3, công việc bận hơn vì bên cạnh nhiệm vụ chính, chúng tôi còn giúp nhiều người nhập thông tin. Bận hơn nhưng vui vì người dân hài lòng về sự phục vụ và tính hiệu quả của DVCTT”.
Năm 2017 được TP Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính”, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sự đột phá về kỷ luật, kỷ cương hành chính, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ. Cùng với việc duy trì, phát huy kết quả đạt được, thành phố tiếp tục triển khai các phần việc theo tinh thần của nền hành chính phục vụ.
Điển hình là cuối tháng 3-2017, thành phố triển khai thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích tại quận Long Biên, quận Bắc Từ Liêm, Sở Thông tin và Truyền thông. Sau khi thí điểm sẽ mở rộng triển khai thực hiện đối với các quận, huyện, thị xã còn lại. Để chuẩn bị cho nội dung mới này, hiện các đơn vị đang thực hiện rà soát TTHC, lựa chọn TTHC phù hợp để trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích và thông tin cho tổ chức, công dân biết...
Những nội dung đã và đang triển khai cho thấy, TP Hà Nội rất quyết tâm trong việc xây dựng chính quyền phục vụ. Nhưng để thành công thì không thể thiếu vai trò chủ động, sáng tạo của các đơn vị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.