(HNM) - Tại một số cuộc họp Chính phủ và hội thảo gần đây, không ít lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia về công nghệ thông tin đã cho rằng nguyên nhân khiến việc xây dựng chính phủ điện tử chậm là do thiếu kinh phí…
Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a để thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử với 3 mục tiêu quan trọng gồm: Liên thông toàn bộ hệ thống văn bản điện tử từ xã, phường đến trung ương và ngược lại. Thứ hai, các cơ quan hành chính nhà nước phải tích hợp các dịch vụ công của mình trên cổng quốc gia duy nhất để triển khai các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế và nguồn ngân sách, kinh phí phục vụ chính phủ điện tử. Song, đến nay do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc thực hiện các hoạt động đầu tư, mua sắm dịch vụ, sản phẩm, thuê dịch vụ CNTT đang gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là ý kiến của không ít nhà quản lý, chuyên gia tham dự phiên thảo luận chuyên đề về chính phủ điện tử do UBND TP Hà Nội và Tập đoàn IDG Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 30-3. Đáng chú ý, trong phiên họp Chính phủ cuối tháng 3, lãnh đạo một cơ quan bộ cũng cho rằng, đơn vị này khó triển khai cung cấp các dịch vụ công do thiếu kinh phí… Đây cũng là nguyên nhân khiến việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước vẫn ở tình trạng chưa liên thông, dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu… Vì vậy, các chuyên gia, các nhà quản lý kiến nghị lựa chọn hình thức xã hội hóa cung cấp dịch vụ, bên cạnh sử dụng ngân sách.
Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm (Hoa Kỳ) tại Đông Dương, Nhà nước không thể và không đủ kinh phí để chi cho tất cả các khoản đầu tư và cũng không nên quá trông vào ngân sách nhà nước. Ông Nam đã đưa ra ví dụ về việc triển khai giao thông thông minh tại Singapore khi chọn hình thức xã hội hóa đầu tư và qua đó có thể thu phí. Cụ thể, hệ thống giao thông này có những phân tích, cảnh báo thông tin tới người tham gia giao thông để người dân lựa chọn hình thức, thời điểm tham gia giao thông. Chẳng hạn, thu phí lưu thông tự động, đặc biệt thu phí cao hơn với khu vực có lưu lượng phương tiện lớn, tắc đường. Từ đó, người dân muốn tiết kiệm phải tránh những khung giờ cao điểm, hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. "Tất nhiên, việc triển khai giao thông thông minh tại Việt Nam sẽ nhiều khó khăn hơn so với Singapore, vì cơ sở hạ tầng, đường sá không thuận lợi. Nhưng, chúng ta có thể học hỏi và áp dụng mô hình này. Tôi cho rằng khi triển khai chính phủ điện tử chúng ta không nên chỉ trông đợi vào Nhà nước, mà phải tính toán tính khả thi về thương mại để kêu gọi các nguồn lực từ xã hội" - ông Thiều Phương Nam đề xuất. Quan điểm này cũng được đại diện một số cơ quan nhà nước đồng tình ủng hộ.
Vậy vấn đề đặt ra, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, việc triển khai chính phủ điện tử sẽ thế nào? Nhiều chuyên gia dự hội thảo đề xuất, Chính phủ lựa chọn định hướng đầu tư có trọng điểm, mà trước mắt là những vấn đề "nóng" được người dân quan tâm như giao thông, y tế và an toàn thực phẩm. Trong đó, về giao thông bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư hệ thống giao thông công cộng, cần có giải pháp quản lý phương tiện giao thông cá nhân như mô hình giao thông thông minh tại Singapore. Cùng quan điểm về xã hội hóa đầu tư nguồn lực, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội Đặng Vũ Tuấn cho biết, Hà Nội đã bố trí đủ kinh phí để ứng dụng CNTT trong giai đoạn 2016-2020, nhưng ưu tiên thuê các đối tác bên ngoài để tối ưu hóa nguồn lực. Hà Nội cũng đặt mục tiêu nâng cấp hệ thống điều khiển tín hiệu đèn giao thông, nâng cấp hệ thống ứng dụng CNTT vào giao thông để làm cơ sở hình thành hệ thống giao thông thông minh trước ngày 1-7-2017. Sở Y tế Hà Nội đã hợp tác với VNPT Hà Nội triển khai hạ tầng, phần mềm với các ứng dụng việc quản lý, khám chữa bệnh bảo đảm các thông tin cần thiết liên quan. Đặc biệt, không chỉ giúp quản lý trong khám chữa bệnh ở từng bệnh viện, mà còn thực hiện kết nối giữa cơ quan quản lý với các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn, với bảo hiểm xã hội…
Như vậy cho thấy, việc triển khai chính phủ điện tử không nhất thiết cứ phải trông đợi vào nguồn vốn ngân sách, mà có thể chọn hình thức "gọi" đầu tư mà trước hết từ các tập đoàn công nghệ, các nhà đầu tư khác trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.