Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng các công trình chống ngập úng: Vấn đề cấp bách

Hoài Dũng| 17/03/2010 08:50

(HNM) - Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Thủy lợi và Môi trường (Bộ NN&PTNT) vừa thông qua báo cáo lần thứ 1 về dự án Quy hoạch chi tiết tuyến đê bao, cống nhỏ dưới đê và điều tiết nước mưa phục vụ chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh.

Theo nhóm nghiên cứu, việc xây dựng quy hoạch chi tiết tuyến đê và các cống nhỏ và các khu điều tiết là hết sức cấp bách khi tình trạng ngập úng ngày càng thường xuyên hơn kể cả trong thời gian không có mưa lũ.

Diện tích ngập ngày càng nhiều

Theo nhóm thực hiện dự án, ngập lụt đang ngày càng là vấn đề lớn đối với TP Hồ Chí Minh hơn. Diện tích ngập lụt hằng năm vào khoảng 265km2 và số dân bị ảnh hưởng do ngập chiếm 35,2% dân số của thành phố. Chỉ tính riêng trong vòng 12 năm, từ năm 1996-2008, ngập lụt đã chiếm 20% diện tích đô thị (34,6km2) và 56% diện tích vùng ngoại ô (230km2). Trong đó, vùng ngập thuộc khu vực phía Nam như quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh chiếm diện tích cao nhất với diện tích 81 ngàn hécta; vùng ngập Tây bắc như các khu vực An Hạ - Thầy Cai, Bình Lợi diện tích 30 ngàn hécta; vùng ngập ven sông Sài Gòn thuộc các khu vực như quận 12, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn chiếm diện tích 15 ngàn hécta, ngập ven sông Đồng Nai như quận 9, quận 2 diện tích 9 ngàn hécta, còn lại ngập tại khu vực nội ô diện tích 5,5 ngàn hécta.

Đường phố “thành sông” sau mỗi cơn mưa.

Theo kỹ sư Nguyễn Nhuyễn - Chủ nhiệm dự án trên, sở dĩ tình trạng ngập úng ngày càng nặng là do thiếu hệ thống bờ bao, các công trình chống ngập, các công trình tiêu thoát nước không hình thành kịp thời. Riêng bờ bao sông Sài Gòn và Vàm Cỏ chỉ có chiều dài khoảng 54,7km. Còn bờ bao sông rạch khoảng 452km. Nhưng hệ thống đê bao này không khép kín, nhiều đoạn bờ bao tạm, dễ vỡ nhất là vào các mùa triều cường. Thành phố hiện có 563 cống thoát nước dưới đê nhưng hầu hết là cống tròn, tiết diện nhỏ, còn 276 cửa cống tiêu thoát nước đổ ra sông rạch, không có cửa điều tiết, thủy triều qua đường này và gây ngập.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh chỉ có 1.616km cống thoát nước đô thị, mật độ cống quá thấp, chỉ chiếm khoảng 24m/ha, nên không đủ tiêu thoát. Đó còn chưa kể đa số các cống thoát nước được xây dựng từ lâu nên nhiều nơi bị tắc nghẽn, hư hỏng, bị lấp,…

Từ thực trạng thiếu công trình chống ngập và tiêu thoát nước, KS Nguyễn Nhuyễn cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện quy hoạch chi tiết để xây dựng các tuyến đê bao, cống nhỏ dưới đê và các hồ điều tiết. Nếu thực hiện được, hằng năm sẽ giảm thiệt hại cho TP khoảng 6.200 tỷ đồng.

Cần nghiên cứu lại quy hoạch

Theo nhóm thực hiện dự án, TP Hồ Chí Minh nằm ở vùng trũng thấp, diện tích có cao độ <+1 chiếm gần 50%. Mực nước đỉnh triều ngày càng dâng cao đã gây ngập lụt ngày càng nhiều hơn. Trong khi đó, công trình ngăn triều, lũ, chống ngập, công trình tiêu thoát nước không đủ sức ngăn được lũ và thủy triều, còn gây ngập nặng hằng năm. Công trình ngăn triều vùng đô thị chủ yếu là bờ bao nhỏ ven sông rạch, thủy triều lớn dễ vỡ, gây ngập lớn.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho khu vực TP Hồ Chí Minh đã được Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch chi tiết tuyến đê, các cống nhỏ dưới đê và khu trữ là bước tiếp theo để bảo đảm hoàn thiện hệ thống chống ngập úng và tiêu thoát nước cho khu vực.

Xuất phát từ tình hình thực tế, nhóm thực hiện dự án cho rằng TP Hồ Chí Minh cần xây dựng hệ thống đê, cống nhỏ và khu trữ khác nhau. Phương án 1 là phương án tuyến trong quy hoạch chống ngập khu vực thành phố, chia làm 5 tuyến và 11 đoạn tuyến có cấp bậc, tần suất thiết kế và hình thức khác nhau; Phương án 2: tuyến đi sát bờ sông, kết hợp với bờ kè, mang tính bảo vệ tốt hơn kết hợp với chỉnh trang đô thị và chống xói lở bờ sông; Phương án 3 là phương án trung gian giữa hai phương án trên. Tuy nhiên, theo TS Trịnh Công Vấn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi II, dự án này phải bám sát theo quy hoạch trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có cơ sở so sánh, đối chiếu. Nếu mặt nào không phù hợp thì bỏ đi, còn mặt nào được thì thực hiện để đưa ra phương án chống ngập hiệu quả. TS Trịnh Công Vấn cho rằng, nhóm thực hiện dự án cần nghiên cứu lại quy hoạch vì các dự án bờ bao, đê bao dọc theo sông Sài Gòn đã có trong quy hoạch nên dự án này nếu không cẩn thận sẽ làm đảo lộn các dự án bờ bao đang có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng các công trình chống ngập úng: Vấn đề cấp bách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.