(HNMO) - Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều nay (6-11), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trả lời chất vấn của nhiều đại biểu về nguyên nhân, giải pháp ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.
Làm rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến mưa lũ, sạt lở đất
Làm rõ hơn về nguyên nhân chủ quan dẫn đến mưa lũ, sạt lở đất được nhiều đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trước hết nói về rừng.
Trong những năm vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, rừng Việt Nam đã được phục hồi nhanh chóng. Năm 1945, tỷ lệ che phủ rừng là 43%. Đến năm 1995, do chiến tranh và sau đó do chúng ta phát triển kinh tế nên rừng chỉ còn lại 28%. Đến nay, độ che phủ rừng đã đạt trên 41%, đứng thứ 50/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, chất lượng rừng của nước ta còn thấp, do thời gian dài rừng tự nhiên bị phá, rừng mới chất lượng không cao.
Cùng với đó, tình trạng phá rừng trồng cây công nghiệp làm nương rẫy, phát triển sản xuất vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Đặc biệt, tình trạng phá rừng lấy gỗ xảy ra ở nhiều nơi. Vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.
Việc trồng rừng thay thế khi sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế - xã hội chưa được thực hiện nghiêm, từ đó ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là nhân tố gây sạt lở đất khi có mưa lũ xảy ra.
Việc đầu tư công trình, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực miền núi như công trình giao thông, công trình điện, công trình đường ống… đã làm thay đổi địa hình, tác động đến độ ổn định kết cấu địa chất, dễ gây sạt lở đất... Việc xây dựng công trình nhà ở, các khu dân cư, trường học… tại khu vực miền núi không được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là yếu tố địa chất cũng tác động làm sạt lở đất khi có mưa lũ xảy ra.
Nguồn điện từ thủy điện là tài nguyên của đất nước
Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc xây dựng công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, quản lý quá trình xây dựng và khai thác, vận hành thì có tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất, đe dọa sự an toàn của vùng hạ lưu.
Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu, hiện nay, nước ta có trên 7.500 hồ đập, thủy lợi và thủy điện; đưa vào vận hành khai thác tổng dung tích 70 tỷ mét khối nước; có 437 hồ đập thủy điện đang hoạt động.
Có thể nói, hồ đập thủy điện, thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong đáp ứng an ninh nguồn nước, đáp ứng nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần cắt lũ (trừ trường hợp lũ lớn quá thì phải xả nhưng lượng nước xả ra cho phép bằng lượng nước lũ vào hồ), điều tiết nước cho mùa cạn và góp phần tạo nguồn điện rất lớn.
“Nguồn điện thủy điện là nguồn điện sạch, giá rẻ, vận hành thuận lợi, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh nông nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình hồ đập, thủy điện có tác động tiêu cực đến môi trường, vì các công trình này đa số được xây dựng ở các khu vực miền núi, trung du; đồng thời, việc xây dựng tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá, nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất”, Phó Thủ tướng nêu.
Xây dựng bản đồ thiên tai và kịch bản di dân để giảm thiểu thiệt hại
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giải trình thêm về năng lực tìm kiếm cứu nạn và ứng phó với thiên tai, bão lũ. Theo Phó Thủ tướng, trong đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua, chúng ta huy động lực lượng của quân đội, công an cùng vào cuộc, nhưng chưa có lực lượng chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn cũng thiếu phương tiện chuyên nghiệp, hiện đại nên tại các điểm sạt lở nguy hiểm, cần cứu hộ nhanh thì việc cứu hộ không đạt hiệu quả cao, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tìm kiếm cứu nạn.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian tới, cần rà soát các phương án nghiên cứu chiến lược phòng, chống thiên tai, xây dựng quy hoạch vùng, lĩnh vực để ứng phó với vấn đề này. Từ đó, sẽ lựa chọn những dự án trọng điểm; xây dựng bản đồ lũ ống, lũ quét… nhằm xác định được vùng phải di dời dân, xây dựng kịch bản di dời dân để giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, việc xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với biến đổi khí hậu đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, sẽ thực hiện rà soát nhà ở của người dân khu vực các tỉnh miền Trung. Việc này dù đã thực hiện nhưng do nguồn vốn còn nhỏ nên hiệu quả chưa cao. Phó Thủ tướng mong muốn Quốc hội sẽ bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ lĩnh vực này.
Để nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với thiên tai, Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với việc tăng tính chuyên nghiệp cho các lực lượng tìm kiếm cứu nạn từ trung ương tới cơ sở, cần trang bị tàu lớn, máy bay trực thăng và giao cho cơ quan cụ thể để phục vụ công tác này. Tuy nhiên, kinh phí phục vụ công tác phòng, chống thiên tai rất lớn nên về lâu dài, Chính phủ sẽ phải trình Quốc hội phân bổ nguồn ngân sách phù hợp nhằm bảo đảm đủ ngân sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.