Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xao xuyến Tết xưa

Tuấn Khải| 18/02/2010 07:51

(HNM) - Ngày xưa, mỗi lần Tết đến Xuân về, vào thời khắc vừa bước sang năm mới, ông ngoại tôi thường cùng mấy cụ cao niên lần lượt đến chúc Tết từng gia đình trong làng. Đám trẻ con chúng tôi xúng xính quần áo mới, bám chân ông đi chúc Tết, vừa được các bà, các cô lì xì, lại vừa được hóng chuyện người lớn…

Chiếc giếng cổ như một con mắt xanh của đất.


1. Ngày ấy, tưởng như xa lắm, nhưng cũng chỉ mới cách đây chừng 15-20 năm. Làng tôi có tên Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai). Nơi đây vốn là làng cổ của đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ bởi theo các cụ kể lại, Hoàng Mai nằm trong vùng 4 làng có tên Nôm là Kẻ Mơ, song tên cụ thể được gọi bằng nghề nghiệp. Làng Hoàng Mai có nghề nấu rượu nên được gọi là Mơ Rượu, để phân biệt với các làng Mơ khác là Mơ Thịt (làng Hồng Mai hay Bạch Mai), làng Mơ Cơm (làng Tương Mai) hay Mơ Táo (làng Mai Động).

Chỉ chừng mười lăm, hai mươi năm trước, làng Mơ Rượu của tôi vẫn còn đẹp lắm. Có cổng làng, có đình, chùa, những con đường lát gạch nghiêng chạy dọc trong xóm, men theo hàng dâm bụt… Nhà cửa còn thưa thớt, hầu như nhà nào cũng có mảnh vườn và cái ao nhỏ trước nhà. Nhiều nhà trong làng là họ hàng với nhau hoặc nếu không phải thì sống với nhau lâu, đời này qua đời khác cũng thân thiết chẳng kém gì ruột thịt. Năm hết Tết đến, cả làng rộn rã. Các bà, các chị rửa lá dong gói bánh chưng, muối dưa hành, ninh thịt giò làm giò bò, giò lợn… Và rượu nữa. Cái món này phải rất đặc biệt. Làng có nghề nấu rượu nổi tiếng đến mức sử sách phải chép "rượu làng Mơ, cờ Mộ Trạch" hoặc "rượu làng Mơ, thơ Kẻ Lủ". Chẳng ai muốn ba ngày Tết lại không đủ đầy. Các cụ ông chăm chút hương án, bàn thờ, xem lại áo the khăn xếp, mấy đôi gà chọi, rồi lại ra sân đình coi việc chuẩn bị hội cờ người ngày Xuân đã hòm hòm đến đâu… Nhưng các cụ không quên đảo qua nhà con cháu, hàng xóm xem không khí chuẩn bị. Ai thiếu gì thì các nhà khác giúp. Nhà ai vợ chồng còn hục hặc, Tết ắt sẽ kém vui, khi đó, các cụ lại thành những quan tòa phân xử để ngày Tết luôn rộn rã tiếng cười.

2. Làng Hoàng Mai bây giờ khác lắm! Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh đã khiến cho mọi thứ thay đổi. Diện mạo làng cổ đã khác nhiều. Làng nhập vào phố, đổi tên thành phường Hoàng Văn Thụ. Các thôn, xóm đổi thành khu, cụm dân cư, ngõ ngách… Cánh trẻ nói xóm làng "thay da đổi thịt", người già ngơ ngẩn tiếc cho những ngày xưa. Làng cổ xưa, nay hòa vào phường. Một phần diện tích của làng cổ giờ đã thành Khu đô thị mới Đền Lừ, nhà cửa san sát, cao 15, 17 tầng. Trong làng, nhà cổ mất dần, lác đác vài ba mảnh vườn toen hoẻn giữa san sát nhà mái bằng mái chóp đủ kiểu tân thời. Cộng đồng làng xã gắn bó đời nọ qua đời kia giờ bỗng thấy nhiều người lạ. Qua mấy đận sốt đất, nhu cầu về nhà ở tăng vọt, người Hoàng Mai bán đất cho người từ các vùng Hà Nội giãn ra, cho người ngoại tỉnh về mua đất làm nhà lấy chỗ cho con cái ăn học. Rồi những cặp vợ chồng trẻ cũng tranh thủ về đây. Những ngôi nhà, ba gian hai chái, được thay dần bằng nhà 3, 4 tầng. Người làng đùa, ở làng bây giờ cái gì cũng to cũng lớn, chỉ có trụ sở UBND phường là bé tí tẹo, chỉ vài gian nhà cấp 4. Rặng dâm bụt, thứ hoa vừa tiện làm hàng rào, vừa có thể làm thuốc chữa bệnh bị nhổ sạch để dựng hàng rào sắt, bê tông chống trộm. Con đường chạy dọc ngang trong làng, lát gạch nghiêng đã bị bê tông hóa. Cả làng không còn một bụi tre nào cho đáng gọi là "bụi". Ao hồ bị lấp hết, thành ra cả làng cứ mưa lớn là ngập lõm bõm vì cả nước thải lẫn nước mưa chẳng biết chảy vào đâu. Lòng đất toàn bê tông, làm sao nước thấm được… Làng cứ như cái túi hứng nước.

Đấy là khác về diện mạo. Còn nhiều cái khác nữa, như về tập tục làng xã, tình cảm xóm giềng. Giờ chẳng còn cờ người, chọi gà, đọc thơ… Có chăng chỉ là đám thanh niên tụ vạ suốt mấy ngày Tết đánh bài hoặc chúi đầu vào cửa hàng điện tử, internet ADSL chát chít… Vẫn biết, sống gần nhau lâu cũng thành quen, nhưng trong làng nhiều người lạ quá nên các cụ già cũng không còn năng lui tới thăm hỏi trong những ngày lễ Tết. Lệ làng xưa cũ dần mai một. Các tổ chức hội đoàn thể như chi bộ Đảng, tổ dân phố, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… dù cố gắng kết nối mọi người xích lại gần nhau nhưng dăm thì mười họa mới họp một lần, cũng chẳng nhiều chuyện để nói. Dần dần, cái câu "đèn nhà ai nhà nấy rạng" lại càng trở nên hợp tình, hợp cảnh với cư dân Hoàng Mai. Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ Nguyễn Tiết Cương thừa nhận, khó mà dung hòa được mọi thứ để vừa bảo tồn được văn hóa làng xã, lại vừa thuận theo dòng chảy đô thị hóa. Đây không chỉ của Hoàng Mai mà là chuyện của các cấp chính quyền địa phương hàng trăm xã của Hà Nội mới được lên phường.

3. Nếu ngồi kiểm lại xem Hà Nội có bao nhiêu làng xã lên phường, người nông dân sau một đêm ngủ dậy bỗng thành người phố thị, có lẽ phải mất cả buổi. Ai đó đã từng nói Hà Nội là cái làng lớn, được tập hợp bởi nhiều làng nhỏ mà thành. Những làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân, Phú Thượng, làng giấy Yên Thái, Nghĩa Đô, rồi làng Quỳnh, làng Vòng, làng Kim Liên, Trung Tự… Tất cả đều giống nhau quay cuồng trong cơn lốc đô thị hóa. Vẫn hiểu, bảo tồn và phát triển là hai khái niệm luôn luôn song hành. Tuy nhiên, để hai khái niệm ấy thực sự quấn quýt vào nhau thật khó. Đô thị hóa là một quá trình tất yếu và qua đó, không ít di sản cha ông để lại đã bị mai một theo thời gian. Sự tan biến dần các làng cổ ven đô chính là biểu hiện rõ nhất. Những làng cổ mất thì đã mất rồi, Hà Nội sau ngày mở rộng địa giới hành chính có thêm chừng 1.000 làng của Hà Tây (cũ). Xứ Đoài cũng là một vùng văn vật. Trong cả ngàn cái làng ấy, số làng cổ, thực sự có giá trị như Đường Lâm, Cự Đà… chắc không phải là ít. Chỉ dăm mười năm nữa thôi, quá trình đô thị hóa chắc chắn sẽ quét đi vô khối làng để nhường đất cho đô thị. Nhiều làng sẽ lại lên phố, nông dân thành thị dân.

Mai này, còn đâu nữa những cổng làng, giếng làng và những con đường lát gạch nghiêng; những lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc trong những dịp lễ Tết, Xuân về… nếu như ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý, những người làm công tác quy hoạch đô thị không cảm thấy có chút đắn đo, tiếc nuối.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xao xuyến Tết xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.