Đô thị

“Xanh hóa” xe buýt:Bước đi quyết liệt thay đổi diện mạo giao thông Hà Nội

Nguyễn Văn Công 26/05/2025 06:40

Để nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, một trong những hướng đi được ưu tiên của Thành phố Hà Nội là dần thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng các loại xe buýt sử dụng năng lượng xanh, như xe buýt điện hoặc xe chạy bằng khí thiên nhiên nén (CNG).

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ xe buýt hoạt động trên địa bàn Thủ đô sẽ sử dụng nhiên liệu xanh, thân thiện với môi trường.

xe-buyt.jpg
Xe buýt xanh là lựa chọn ưu tiên của hành khách hiện nay. Ảnh: Vũ Minh

Đẩy nhanh lộ trình “xanh hóa”

Có thể dễ dàng nhận thấy, tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, hệ thống xe buýt công cộng từ lâu đã chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu xanh. Dù dân cư đông đúc, những đô thị này vẫn duy trì được bầu không khí trong lành, không bị những luồng khói ô nhiễm thải ra từ các xe ô tô sử dụng nhiên liệu diesel.

Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã có những bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy xu hướng này. Ngày 22-7-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải.

Trên tinh thần đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố” (theo Quyết định số 6004 ngày 18-11-2024).

Theo lộ trình đề ra, đến năm 2030, khoảng 70% - 90% xe buýt trên địa bàn Thủ đô sẽ sử dụng năng lượng sạch và con số này sẽ đạt 100% vào năm 2035. Tuy nhiên theo chỉ đạo mới của UBND Thành phố Hà Nội (tại Thông báo số 185 ngày 8-4-2025), Thành phố yêu cầu hoàn thành công tác chuyển đổi phương tiện xe buýt sang xe buýt điện, năng lượng xanh chậm nhất trong năm 2030.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, các sở, ban, ngành của Thành phố đã chủ động, khẩn trương xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải sớm chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Về phía các doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã nhanh chóng nắm bắt chủ trương và triển khai những bước đi đầu tiên một cách quyết liệt, thể hiện tinh thần đồng hành cùng Thành phố trong lộ trình phát triển bền vững.

Đơn cử, trong tháng 1-2025, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã đưa vào hoạt động thêm ba tuyến buýt điện hiện đại, gồm tuyến số 05 (Mai Động - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), tuyến số 39 (Công viên Nghĩa Đô - Tứ Hiệp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương), cùng hai tuyến nhánh 47A (Long Biên - Bát Tràng) và 47B (Đại học Kinh tế Quốc dân - Kiêu Kỵ).

Ngoài ra, Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến cũng đã vận hành tuyến số 59 (Đông Anh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Tổng cộng, 66 xe buýt điện đã được đưa vào khai thác trên các tuyến này, trong đó có 55 xe có sức chứa 60 chỗ và 11 xe loại nhỏ với sức chứa 30 chỗ.

Cùng với các tuyến xe buýt điện cỡ lớn do VinBus vận hành, đến nay thành phố Hà Nội đã có hơn 365 xe buýt sử dụng năng lượng xanh đang hoạt động, bao gồm các loại xe cỡ lớn, trung bình và nhỏ. Con số này chiếm khoảng 19,7% trên tổng số gần 2.000 xe buýt hiện có trong toàn bộ mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô.

Giải pháp được lòng người dân

Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc sử dụng xe buýt điện sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm lượng khí CO₂ phát thải ra môi trường. Cụ thể, theo tính toán trong “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”, nếu chuyển sang sử dụng xe buýt điện thay cho xe buýt chạy dầu diesel như hiện nay, lượng khí CO₂ phát thải có thể giảm tới khoảng 170.480 tấn mỗi năm.

Bên cạnh lợi ích về môi trường, xe buýt điện còn có nhiều ưu điểm về mặt kinh tế. Chi phí năng lượng điện thấp hơn đáng kể so với nhiên liệu diesel, trong khi hiệu suất vận hành lại cao hơn. Xe điện cũng có tuổi thọ dài hơn và ngược lại, chi phí bảo trì, sửa chữa thường thấp hơn nhiều so với các loại xe sử dụng động cơ và bộ truyền động diesel truyền thống.

Về độ êm ái, xe buýt điện thể hiện ưu thế vượt trội khi gần như không gây tiếng ồn, mang lại trải nghiệm dễ chịu hơn cho hành khách. Không chỉ vậy, đối với các phương tiện giao thông khác cùng lưu thông trên đường, đặc biệt là xe máy khi di chuyển gần hoặc phía sau, xe buýt điện còn tạo cảm giác thoải mái hơn do không phát thải khói dầu, góp phần giảm bức xúc và căng thẳng khi tham gia giao thông.

Mới đây, vào tháng 4-2025, Thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành 17 xe buýt điện VinFast Green Bus trên tuyến buýt số 34. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong lộ trình chuyển đổi sang xe buýt sử dụng năng lượng xanh.

Việc khai trương tuyến buýt số 34 nằm trong kế hoạch triển khai “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”. Tính đến thời điểm này, đây cũng là tuyến buýt thứ năm tại Hà Nội được chuyển đổi từ xe chạy dầu diesel sang xe điện kể từ đầu năm 2025.

Tuyến buýt số 34 (Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Gia Lâm) là một trong những tuyến có lưu lượng hành khách lớn, đi qua nhiều trục giao thông huyết mạch của Thủ đô. Việc chuyển đổi thành công tuyến xe buýt quy mô như tuyến 34 sang xe buýt điện không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng, mà còn tạo thêm động lực và niềm tin để tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ xe buýt chạy dầu diesel sang xe buýt sử dụng năng lượng sạch trong toàn mạng lưới.

Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội, cho biết: "Hà Nội là địa phương đầu tiên có đầy đủ ba cỡ xe buýt điện gồm nhỏ, trung bình và lớn. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn để xây dựng bộ định mức đơn giá cho xe buýt nhỏ và trung bình, làm cơ sở để mở rộng công tác đấu thầu các phương tiện vận tải công cộng cỡ nhỏ và trung bình trên địa bàn thành phố, qua đó đẩy mạnh việc “xanh hóa” hệ thống xe buýt".

Đem lại trải nghiệm dễ chịu

Không chỉ giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, xe buýt điện còn đem lại trải nghiệm dễ chịu, thư giãn hơn cho hành khách. Xe buýt điện có màu xanh lá đặc trưng được thiết kế sàn thấp tạo thuận tiện cho hành khách khi lên xuống xe.

Đặc biệt, xe buýt điện VinFast Green Bus có tính năng nghiêng xe giúp xe lăn của người khuyết tật có thể lên xuống xe dễ dàng. Xe buýt điện còn được trang bị nhiều tiện ích văn minh, hiện đại như wifi miễn phí, cổng sạc USB, hệ thống camera an ninh, camera hành trình và hệ thống cảnh báo an toàn...

Chị Nguyễn Thị Thủy, xã Hải Bối (huyện Đông Anh) chia sẻ, trước đây chị thường đi làm bằng xe máy với quãng đường khoảng 25km từ nhà đến cơ quan ở quận Hai Bà Trưng, mất khoảng một giờ. Tuy nhiên, gần đây chị đã chuyển sang đi xe buýt.

"Sau một thời gian sử dụng xe buýt, tôi thấy dịch vụ rất tiện lợi, đặc biệt là xe buýt điện. Xe chạy đúng giờ, êm ái, thoáng mát, không tiếng ồn và không gây ô nhiễm môi trường. Khi xe vào điểm dừng và tăng tốc, hành khách đứng trên xe cũng ít bị lắc lư hơn" - chị Thủy khẳng định. Chị cho biết, sau khi sinh em bé, sẽ tiếp tục sử dụng xe buýt và hy vọng toàn bộ các tuyến xe buýt chạy nhiên liệu diesel sẽ sớm được thay thế bằng xe buýt điện và các loại xe sử dụng năng lượng xanh.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cho biết: “Chủ trương chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt của Hà Nội sang sử dụng điện và khí nén CNG vào năm 2035 là một bước đi chiến lược, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Thành phố trong việc phát triển giao thông bền vững và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị. Chủ trương này có những ý nghĩa tích cực như giúp giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn, hướng tới giao thông bền vững và tiết kiệm chi phí vận hành, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cho xe buýt điện và CNG cao hơn, nhưng về lâu dài, nếu tính cho cả một vòng đời của phương tiện, chi phí vận hành và bảo trì sẽ thấp hơn so với xe buýt diesel, giúp tiết kiệm ngân sách cho Thành phố".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Xanh hóa” xe buýt: Bước đi quyết liệt thay đổi diện mạo giao thông Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.