Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xăng Gasohol E5 sản xuất từ sinh học chính thức đưa vào sử dụng

TUYETMINH| 15/09/2008 16:20

(HNMO)- Sáng 15/9, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã chính thức công bố sản phẩm xăng ethanol (Gasohol E5) – nhiên liệu thân thiện với môi trường, an toàn cho động cơ và tiết kiệm chi phí được đưa vào sử dụng.

(HNMO)- Sáng nay (15/9), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã chính thức công bố sản phẩm xăng ethanol (Gasohol E5) – nhiên liệu thân thiện với môi trường, an toàn cho động cơ và tiết kiệm chi phí được đưa vào sử dụng. Lễ ra mắt sản phẩm đã diễn ra tại hai cây xăng 27 Thái Thịnh và 148 Hoàng Quốc Việt dưới sự tham dự của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các đối tác và đại diện của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí.

Hai cây xăng đầu tiên được chọn thí điểm sản phẩm xăng Ethanol “Gasohol E5” là cửa hàng xăng dầu 27 Thái Thịnh (Đống Đa, HN) và cửa hàng ở 148 Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) đều thuộc Công ty Kinh doanh xăng dầu Miền Bắc (thuộc PV Oil). Đặc biệt, khi sử dụng xăng Gasohol E5, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được 500VNĐ/1lít xăng so với giá xăng thông thường (A92). Hiện tại, Cty PVB đã ký hợp đồng với Hiệp hội Taxi Hà Nội cung cấp xăng pha cồn cho 50 xe taxi của Hiệp hội nhằm giúp người dân làm quen với loại Gasohol E5 mới, góp phần làm giảm ô nhiễm không khí của thủ đô.

Theo ông Vũ Thanh Hà, Tổng Giám đốc PVB cho biết, hiện nay xăng Gasohol E5 được bán với giá 16.500 đồng/1 lít, và hoàn toàn an toàn với các loại động cơ xe cũng như trong vận hành. Ông Hà cũng cho biết thêm, hiện nay xăng Gasohol E5 mới được bán thử nghiệm nên chỉ bán trong mạng lưới đại lý của Petrolimex chứ chưa triển khai ra hệ thống bán lẻ bên ngoài.

Sau khi tiến hành bán thí điểm tại Hà Nội, PV Oil có kế hoạch tiếp tục phát triển việc kinh doanh xăng Ethanol “Gasohol E5” tại hệ thống cửa hàng xăng dầu của Tổng công tyở các thành phố khác trên cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần thơ.

Ông Nguyễn Quốc Khánh – TGĐ PV-Oil, một trong các đơn vị trực tiếp thực hiện các dự án về phát triển nhiên liệu sinh học của PetroVietnam cho biết, Tcty Dầu Việt Nam đã được cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ với công suất 100.000m3 cồn ethanol 99,7%mỗi năm từ nguồn nguyên liệu sắn lát và mía. PV Oil cũng đang xúc tiến đầu tư một nhà máy công suất tương đương tại Bình Định.

Trước mắt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao cho cho Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) – một đơn vị trực thuộc PV Oil tiến hành giới thiệu với thị trường xăng Ethanol “Gasohol E5” (xăng pha 5% cồn sinh học ethanol làm khan, đạt nồng độ tới 99,7% ) để người tiêu dùng có dịp làm quen với nhiên liệu sinh học, một sản phẩm còn mới mẻ tại Việt Nam.

Ethanol là nhiên liệu dạng cồn, được sản xuất bằng phương pháp lên men và chưng cất nguyên liệu như nước mía, mật rỉ hoặc các loại ngũ cốc chứa tinh bột như sắn … Để có thể sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ xăng, cần phải làm khan ethanol để đạt độ cồn lên trên 99,7%. Ethanol đã được các nước công nghiệp phát triển sử dụng như một loại nhiên liệu độc lập hoặc pha vào xăng để làm tăng chỉ số octane và giảm lượng khí thải CO2. Khi pha vào xăng với tỷ lệ 5 - 10% thì có thể làm tăng chỉ số octan lên 3 - 5 đơn vị. Xăng pha ethanol khan ở tỷ lệ 5-10% được dùng bình thường trên mọi động cơ xăng dùng bu-gi đánh lửa. Hiện nay ở châu Âu, tỷ lệ ethanol trong xăng là 5,75%, ở Mỹ thông dụng là 10%, ở các nước khác cũng nằm trong khoảng từ 5-10%. Xăng pha cồn sinh học sẽ làm giảm bớtkhí thải CO2 ra không khí, là một loại nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường.

Cồn Ethanol 99,7%PVB sử dụng được nhập khẩu từ Brazil, quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu sinh học. Quy trình pha chế xăng với công nghệ tiên tiếncủa PVB đảm bảo các chỉ tiêu do Tổng cục TCĐLCL VN công bố và kiểm định, cho sản phẩm chất lượng cao, an toàn với tất cả động cơ chạy xăng của xe máy và ôtô, tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường.

Các nhiên liệu hoá thạch như dầu mỏ, than đá, khí đốt không phải là nguồn tài nguyên tái tạo được. Hiện nay mỗi năm nước ta phải nhập khẩu từ 12 đến 14 triệu tấn nhiên liệu các loại, tiêu tốn một lượng lớn ngoại tệ. Mức tăng nhu cầu nhiên liệu hiện nay của Việt Nam khoảng 10 % đến 15 % một năm. Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trên thế giới cũng ngày càng cao. Trong những năm gần đây chúng ta luôn chứng kiến các cơn sốt giá dầu mỏ trên thế giới. Từ mức giá khoảng 30 đô la Mỹ một thùng trong vòng 3 hoặc 4 năm trước nay mức giá dầu thô luôn thường trực ở mức trên 100 đô la Mỹ một thùng và có lúc lên trên 130 đô la Mỹ một thùng. Chưa kể đến việc sử dụng nguồn nhiên liệu hoá thạch luôn đi kèm với vấn nạn ô nhiễm môi trường, phá hoại môi trường sống của trái đất. Càng ngày chi phí cho vấn đề sử lý môi trường càng trở nên tốn kém hơn. Chính vì vậy, việc tự chủ được nguồn nhiên liệu cho các ngành kinh tế được đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết.

Vấn đề tìm nguồn nhiên liệu tái tạo được thay thế cho nhiên liệu hoá thạch sẽ là hướng đi đúng đắn cho đất nước ta và các nước trên thế giới. Bên cạnh việc phát triển các nhà máy lọc dầu, việc xây dựng và phát triển các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol sẽ là một tâm điểm được nhiều nhà đầu tư chú ý. Việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm này không những tạo ra hướng cho các nền kinh tế bớt phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hoá thạch mà còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trườngtoàn cầu.

Các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta là nơi có điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc trồng sắn, mía làm nguyên liệu, đảm bảo cung cấp cho sản xuất của nhà máy. Bên cạnh đó, những địa phương này đều là những tỉnh nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất cũng như tinh thần còn vô cùng thiếu thốn, khó khăn. Chính vì vậy, việc xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol tại đây sẽ đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho cả người dân địa phương cũng như cải thiện văn hóa, xã hội vùng dự án nói riêng và góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung.

Tuyết Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Xăng Gasohol E5 sản xuất từ sinh học chính thức đưa vào sử dụng

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.