(HNM)- Người đàn ông Campuchia lơ lớ giọng tiếng Việt:
Mua bao nhiêu cũng có
Chiếc xe không biển số chở xăng dầu qua biên giới.
Huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) giáp với tỉnh Svayrieng (Campuchia) là nơi từng sôi động nhất vùng biên giới Tây Nam trong đợt xăng dầu tràn qua biên giới năm 2005-2006. Từ thị trấn Vĩnh Hưng, theo con đường mù bụi đỏ gần 10km, chúng tôi đến khu vực cửa khẩu Long Khốt ở ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung, nơi giáp với xã Sôm Dông, huyện Com Puông Rô, tỉnh Svayrieng. Càng vào gần biên giới, không khí Tết càng nhộn nhịp hơn vì người dân hai nước qua lại trao đổi hàng hóa tấp nập trong những ngày cuối năm. Lẫn trong những chiếc xe gắn máy, xe bò, xe ba gác chở nông sản từ Campuchia về, chở hàng tiêu dùng từ Việt Nam đi là những chiếc xe gắn máy"3 không" của Campuchia (không biển số, không đèn và… không giấy tờ) chở những chiếc can nhựa chứa đầy xăng dầu phóng qua, lại vun vút.
Càng đi sâu vào khu vực biên giới, nổi bật hai bên đường là những chiếc can nhựa rỗng trắng lóa được các cửa hàng tạp hóa để ở vị trí thuận tiện nhất. Để tìm hiểu tình hình mua bán xăng dầu ở đây, chúng tôi hỏi mua một chiếc can 5 lít, bà chủ hàng cho biết chỉ có can loại 10 và 30 lít chứ không có loại 5 lít. "Người ta chủ yếu mua can 30 lít để đựng xăng dầu nên tui chỉ ưu tiên lấy loại này về bán", bà chủ quán giải thích. Bà cũng cho biết, mỗi ngày quán của bà bán không dưới 50 chiếc can loại 30 lít thế này.
Mang theo chiếc can vừa mua đi theo những chiếc xe máy lỉnh kỉnh can, thùng rỗng, chúng tôi rẽ vào một con hẻm nhỏ. "Đầu mối" của những chiếc xe chở xăng chạy trên đường mà chúng tôi đã nhìn thấy là cây xăng H.M nằm khuất trong hẻm này. Những chiếc xe gắn máy có biển số và không có biển số của những người dân Campuchia đang xếp hàng tại đây. "5 can nhé", giọng lơ lớ của một thanh niên người Campuchia cất lên, thế là không cần nhìn người mua, cũng không hỏi han tiếng nào, người bán xăng lấy tay gạt số lít và bơm xăng vào những chiếc can đã chờ sẵn. Sau khi đã bơm đủ số lượng, những chiếc can đầy xăng được chất lên xe, phóng ra khỏi hẻm và chạy về phía cửa khẩu hoặc theo những lối mòn cặp đường biên. Đưa chiếc can đề nghị mua 10 lít xăng A92, anh nhân viên cũng không hề hỏi chúng tôi mua xăng để làm gì mà chỉ im lặng đong xăng như yêu cầu và thông báo giá tiền gọn lỏn: "164 ngàn!".
Trong gần một buổi sáng tại nơi này, cứ chừng 15-20 phút chúng tôi lại thấy những chiếc xe máy chở từ 4 đến 6 can dầu loại 30 lít/can phóng qua. Tuy nhiên, xăng dầu "chảy" qua biên giới ở nơi này vẫn không "quy mô" bằng các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Tây Ninh vì những người dân Campuchia ở đây chủ yếu mua về để dùng và "tranh thủ" bán lại kiếm tiền chênh lệch. Tại An Giang, tình trạng xuất lậu xăng dầu rầm rộ hơn, vì chủ yếu là dân buôn lậu mua để bán qua biên giới. Nhiều nhất là các huyện có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia như Tịnh Biên, An Phú. Tại đây, đường thủy lẫn đường bộ đều được giới buôn lậu "tận dụng" để chở xăng dầu lậu. Xăng dầu mua từ các cây xăng ở thị trấn Tịnh Biên thì phần lớn được "tập kết" tại bờ kênh Vĩnh Tế. Nhưng dù vận chuyển bằng đường bộ, đường sông thì cuối cùng dòng xăng dầu cũng chảy về một điểm, đó là xã Tà Lập, huyện Skirivong, tỉnh Tà Keo để từ đây lại được tỏa ra các ngả luồn sâu vào nội địa Campuchia.
Thuế thất thu, người tiêu dùng "gánh" giá!
Hiện giá xăng của Việt Nam thấp hơn Campuchia từ 2.000 đồng đến 4.000 đồng/lít, đây chính là nguyên nhân khiến xăng dầu "chảy" sang bên kia biên giới. So với năm 2008 trở về trước, tình hình buôn lậu xăng dầu năm nay không rầm rộ bằng. "Thành tích" đó là do giá xăng năm nay chênh lệch ít hơn (những năm trước chênh lệch hơn 5.000 đồng/lít). Anh Tư, một người dân ở xã ấp Trung Chánh cho biết, năm 2006 khi mỗi lít xăng chênh lệch từ 6.000 đồng trở lên anh cũng "hành nghề" mua xăng qua biên giới bán lại kiếm lời. Không có xe gắn máy, chỉ đi xe đạp và mỗi ngày "cõng" 10 can, anh đã có lời 300-400 ngàn. Anh khẳng định chắc nịch: "Nếu chênh lệch mỗi lít xăng từ 5.000 đồng trở lên thì sẽ có rất nhiều người đi chở xăng qua biên giới, bất chấp lực lượng chống buôn lậu, bởi một ngày chở xăng bằng một tháng làm ruộng".
Để giữ thị trường không biến động trong dịp Tết, các ngành chức năng đang nỗ lực giữ giá xăng dầu nên giá xăng Việt Nam thấp hơn Campuchia. Theo Bộ Tài chính, trong năm qua giá xăng dầu thế giới tăng bình quân gần 30%, trong khi ở Việt Nam, xăng chỉ tăng 2,8%, dầu diesel tăng 1%. Để bù mức chênh lệch 28-29% còn lại, trong năm 2010 doanh nghiệp đã phải sử dụng tới 3.500 tỷ đồng từ Quỹ Bình ổn xăng dầu. Năm 2010, Bộ Tài chính cũng đã phải 3 lần điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu theo hướng giảm để giữ giá bán lẻ. Lần gần đây nhất vào ngày 14-1-2011 thuế nhập khẩu xăng và dầu diesel được điều chỉnh từ 6% và 2% giảm xuống còn 0%. Bộ Tài chính cũng cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được tăng mức sử dụng từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thêm 600 đồng/lít, nâng mức chi lên 1.600 đồng/lít để bù lỗ không tăng giá. Theo tính toán của Bộ Tài chính, để giữ giá bán lẻ xăng dầu ổn định từ nay đến Tết Nguyên đán, Quỹ Bình ổn sẽ phải chi khoảng 9.000 tỷ đồng nữa. Cũng cần nói rõ, Quỹ Bình ổn được xây dựng từ đóng góp của người tiêu dùng bằng hình thức "ứng trước" cho doanh nghiệp để khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, doanh nghiệp có trách nhiệm chi số tiền này ra giữ giá. Theo đó, mỗi lít xăng dầu diesel bán ra, doanh nghiệp phải trích lại 300 đồng để xây dựng quỹ. Điều đó cũng có nghĩa là, người tiêu dùng trong nước phải chi thêm 300 đồng cho mỗi lít xăng dầu sử dụng.
Như vậy, khi lượng xăng chảy qua biên giới càng nhiều thì người tiêu dùng Việt Nam càng chịu thiệt nhiều hơn vì phải trả tiền cho những lít xăng dầu đó. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi giá xăng dầu thế giới tăng nhưng giá Việt Nam không tăng thì các đầu mối nhập khẩu không muốn bán ra nhiều vì càng bán càng lỗ. Vì vậy, các doanh nghiệp đầu mối thường có chính sách buộc tổng đại lý và đại lý bán lẻ chỉ bán xăng cho đúng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Một số địa phương cũng quy định cấm bán vào can, thùng để ngăn chặn tình trạng mua đi bán lại. Tuy nhiên, tình trạng bán xăng dầu tràn lan vẫn xảy ra vì các đại lý được nhận chiết khấu hoa hồng trên doanh số bán ra, càng bán nhiều càng hưởng chiết khấu nhiều. Chúng tôi được biết, trước đây mức chiết khấu từ đầu mối cho mỗi lít xăng đại lý bán ra là 600 đồng và hiện còn khoảng 200 đồng do giá xăng trong nước thấp hơn thế giới, đầu mối không còn lãi. Tuy nhiên, dù giá xăng dầu cao hay thấp thì đại lý chỉ có lãi ít hay lãi nhiều (do chiết khấu nhiều hay ít) chứ không khi nào bị lỗ, vì không phải chịu trách nhiệm bình ổn giá.
Chính vì vậy mà khi lực lượng chống buôn lậu làm việc không hiệu quả, khi các doanh nghiệp đầu mối quản lý đại lý không chặt chẽ thì hằng ngày xăng dầu vẫn ào ạt chảy qua biên giới Tây Nam, gây thất thoát lớn cho Nhà nước và dồn gánh nặng lên vai người tiêu dùng trong nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.