(HNM) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Rằm Tháng 8, thị trường bánh Trung thu đang sôi động. Năm nay, các nhà sản xuất đã giới thiệu nhiều chủng loại bánh với nhiều mức giá thành, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Với hàng trăm mùi vị, kiểu nhân khác nhau, như đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen, hạt điều, thập cẩm, bào ngư, tổ yến... các nhà sản xuất bánh Trung thu năm nay đã đưa ra nhiều loại bánh đáp ứng nhu cầu của khách hàng từ bình dân tới cao cấp. Giá bánh nướng được bán ở mức 30.000 đến 55.000 đồng/chiếc (loại 1 trứng, tùy trọng lượng); 55.000 đến 85.000 đồng/chiếc (loại 2 trứng); 180.000 đến 250.000 đồng/chiếc (loại 4 trứng). Các loại bánh dẻo giá từ 31.000 đến 55.000 đồng/chiếc... Giá bánh cao cấp từ 1,2 đến 2 triệu đồng/hộp, được các doanh nghiệp (DN) đầu tư kỹ về mẫu mã và chất lượng với các nguyên liệu như bào ngư, vi cá, hải sâm, yến sào... Tuy nhiên, không phải việc tiêu thụ sản phẩm mới nào cũng đáp ứng được sự mong đợi của nhà sản xuất. Đại diện một DN cho biết, năm nào thị trường cũng có loại bánh mới, song bán chạy nhất vẫn là loại bánh nhân thập cẩm, đậu xanh, hạt sen. Lượng tiêu thụ những loại bánh mới rất thấp.
Hiện nay các loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác đã xuất hiện trên thị trường. Tại các quầy hàng bánh kẹo ở chợ Đồng Xuân, bánh nướng, bánh dẻo là một trong những mặt hàng được lấy sỉ với số lượng lớn. Phần lớn khách mua loại bánh không rõ nguồn gốc mang về bán tại các vùng nông thôn. Đây là loại không nhãn mác, không có hạn sử dụng, không có thông tin về thành phần của bánh.
Đại diện một DN sản xuất cho biết, năm nay tuy giá bột, đường không tăng như những năm trước, nhưng thay vào đó, thịt lợn, hạt điều đã tăng khoảng 70%, đậu xanh tăng 40%, trứng vịt muối tăng 40%... Với mức giá nguyên liệu như vậy, giá 1kg nhân bánh loại thường bình quân phải hơn 150.000 đồng/kg. Giá nhân bánh làm sẵn bán trên thị trường chỉ vài chục ngàn đồng/1kg thì khó có thể bảo đảm chất lượng. Hơn nữa, nhân làm sẵn giá rẻ do được làm bằng nguyên liệu phế phẩm từ các cơ sở chế biến; thường sử dụng hương liệu, chất điều vị, chất bảo quản, chất chống mốc độc hại. Còn nhân bánh bảo đảm chất lượng, khi chế biến xong là phải đưa vào sản xuất ngay vì chỉ để được khoảng 3 ngày.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở sản xuất bánh vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đội quản lý thị trường số 11 Hà Nội phối hợp cùng Cục Cảnh sát Môi trường và Công an quận Tây Hồ bắt giữ hơn 2 tấn nguyên liệu làm nhân bánh không rõ nguồn gốc tại phố Thụy Khuê gồm: cốm, đậu đỏ, đậu xanh... và 50.000 quả trứng muối đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch, hạn sử dụng, nhãn mác. Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP TP Hà Nội cũng vừa kiểm tra việc sản xuất bánh tại làng nghề Xuân Đỉnh, phát hiện một số hộ sản xuất phơi nhân làm bánh ngay trên vỉa hè, sân kho; công nhân không sử dụng găng tay, trang phục vệ sinh khi sản xuất... 7 hộ sản xuất tại đây được xác định chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.
Để phòng tránh nguy cơ bị ảnh hưởng từ bánh kém chất lượng, đại diện Sở Y tế Hà Nội khuyên người tiêu dùng nên mua bánh của những cơ sở, thương hiệu có uy tín. Chọn sản phẩm có lớp bao bì nguyên vẹn, hạn sử dụng rõ ràng; trên bao bì ghi rõ những thông tin cần thiết, như tên cơ sở sản xuất, địa chỉ, thành phần nguyên liệu, ngày sản xuất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.