(HNM) - Xẩm là nghệ thuật hát khan xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở các chợ, bến đò tại các vùng quê của nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Nhưng ở Hà Nội, xẩm trở thành nghệ thuật đường phố và tạo ra những làn điệu khác biệt như xẩm tàu điện...
Còn tại sao gọi là xẩm chợ Đồng Xuân? Chợ Đồng Xuân là tiếp nối hai chợ nổi tiếng Thăng Long gồm Bạch Mã và Cầu Đông. Chợ Bạch Mã có từ thời Lý (khoảng năm 1035). Lúc đầu gọi là chợ Cửa Đông, đến đời nhà Trần đổi thành Bạch Mã vì ở gần đền Bạch Mã (nay là 76 phố Hàng Buồm). Còn chợ Cầu Đông ở cạnh chùa Cầu Đông (nay là 38B phố Hàng Đường).
Cần có chính sách cụ thể nhằm bảo tồn và lưu giữ hát xẩm như một bộ môn nghệ thuật phố phường. |
Chợ Đồng Xuân do người Pháp xây dựng năm 1889, khánh thành vào năm 1890 nhưng nguyên liệu chủ yếu vẫn là tre, nứa, lá. Sau đó được xây kiên cố vào đầu thế kỷ XX. Chợ Đồng Xuân ra đời trước khi có tàu điện và là chợ bán buôn lớn nhất Bắc kỳ, hằng ngày lượng người đổ về Đồng Xuân rất đông nên các nhóm xẩm chia nhau ngồi hát trước bốn cửa. Trong những người hát xẩm, không có quy ước về lãnh địa nhưng nhóm này ngồi chỗ này thì nhóm kia tự biết đi chỗ khác. Giữa họ không bao giờ có ẩu đả tranh giành chỗ, vì họ rất hiểu câu nói "Đồng cảnh tương lân". Khi Hà Nội có tàu điện, trước cửa chính là bến đỗ và tránh tàu nên lúc nào cũng đông nghẹt người. Nhưng như thế cũng chỉ nói lên ở chợ Đồng Xuân có hát xẩm, còn xẩm chợ Đồng Xuân với tư cách là làn điệu có lẽ do bài hát này:
Hà Nội như động tiên sa
Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần
Vui nhất có chợ Đồng Xuân
Mùa nào thức ấy xa gần xem mua…
Cổng giữa có chị bán dừa
Hàng cau, hàng quít hàng dưa hàng hồng
Ai ơi đứng lại mà trông
Hàng vóc, hàng nhiễu thong dong rườm rà
Ngoài chợ có chị hàng hoa
Có người đổi bạc đi ra đi vào.
Thập niên thứ 3 thế kỷ trước ở bãi An Dương (nay là phường An Dương) có xóm xẩm. Sở dĩ gọi xóm xẩm vì ở bãi sông Hồng này có chừng 10 nóc nhà của những người hát xẩm. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là lều, bên trong có cái chõng và vài ba cái niêu đất. Ban ngày, vợ chồng con cái kéo nhau đi hát, chập tối rục rịch kéo nhau về nấu nướng và ngủ ở đây. Xóm tồn tại đến năm 1954. Không chỉ hát tại Bờ Hồ, chợ Đồng Xuân mà họ còn hát tại các chợ khác trong nội thành. Hát xẩm dường như đạt đến đỉnh cao vào đầu những năm 1940 với nhiều tên tuổi tài hoa như Nguyễn Văn Nguyên (Trùm Nguyên), Vũ Đức Sắc (Hà Nội), Thân Đức Chinh (Bắc Giang), Nguyễn Phong Sắc (Hải Dương), Trùm Khoản (Sơn Tây), Chánh Trương Mậu (Ninh Bình - chồng nghệ nhân Hà Thị Cầu), Đào Thị Mận (Hưng Yên), Trần Thị Nhớn (Nam Định), Trần Thị Thìn, Nguyễn Văn Khôi (Hà Đông)... và nhiều nghệ nhân khuyết danh khác.
Sau Cách mạng Tháng Tám, hát xẩm được chính quyền sử dụng trong tuyên truyền phong trào bình dân học vụ ở các huyện ngoại thành và chính thời điểm này các nghệ nhân đã sáng tác bài Tiễu trừ giặc dốt. Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết, địch mở một chiến dịch dụ dỗ người dân miền Bắc, nhất là bà con công giáo di cư vào Nam. Vận động đồng bào ở lại, chính quyền mới đã mời các nhóm xẩm đến hát ở vùng duyên hải. Vài ba chục người hát ở Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội… đã tham gia cuộc vận động này. Nhà thơ Thanh Tịnh được giao phụ trách một nhóm xẩm gồm 23 anh chị em khiếm thị Hà Nội về hát tại vùng Bùi Chu, Phát Diệm cả tháng trời. Trong số đó có các nghệ nhân vừa hát vừa chơi được nhị, đàn bầu và đàn nguyệt là Vũ Đức Sắc, Nguyễn Văn Nguyên, Nguyễn Văn Tuất, Trùm Thịnh, bà Cấn... Kết thúc công việc, Thanh Tịnh trở về Thủ đô và ông cùng với một số nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật được giao nhiệm vụ tổ chức Đại hội Văn công toàn quốc vào tháng 12-1954. Sự kiện diễn ra ở Nhà hát Nhân dân (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô). Người không có vé kéo đến bên ngoài rất đông xem "người ta" làm gì. Có hai người khiếm thị dìu nhau trình giấy vào cửa, nhân viên soát vé hỏi họ "mù thì làm sao xem được mà vào đây", hai người nói họ là dân hát xẩm vào để nghe. Nhân viên soát vé nghi họ ăn cắp giấy mời đã bắt họ giao cho công an xét hỏi. Việc đến tai Thanh Tịnh, ông vội vã đi khắp các đồn công an tìm họ, sau khi trình bày là ban tổ chức mời họ vì họ là các nghệ nhân hát rất hay nên công an mới thả. Thanh Tịnh ôm hai nghệ nhân và cả ba người cùng khóc.
Tuy miền Bắc tạm hòa bình, nhưng tại bến tàu điện Bờ Hồ vẫn có khá nhiều người khiếm thị hát xẩm, trong đó có cặp vợ chồng lùn tịt. Còn ông Trùm Nguyên không hát ở bến tàu điện nữa mà chuyển về hát trước cửa đền Ngọc Sơn. Khi Mỹ ném bom Hà Nội năm 1966, công an yêu cầu những người hát xẩm trở về quê và thế là Bờ Hồ chỉ còn vài người được ngành văn hóa cấp phép trong đó có Trùm Nguyên. Trước đó Trùm Nguyên đã dạy hát, dạy đàn cho Nguyễn Văn Gia, một thanh niên bị khiếm thính sau một cơn bạo bệnh. Gia sáng dạ nên Trùm Nguyên cho theo, vừa hát kiếm sống, vừa truyền dạy các làn điệu xẩm. Thập niên 70, ông Gia hát quanh Bờ Hồ, bến tàu điện và không ít lần hai thầy trò đụng nhau, thế là ông không hát Bờ Hồ nữa mà hát trên tàu hỏa. Ông Gia thường hát bài "Hạ liễu":
Giọt nước cánh bèo, giọt nước cánh bèo
Đã từng lưu lạc để nhiều điều vất vả và gian truân.
Ông Giời cao có thấu chăng là tình chăng...
"Hạ liễu" không chỉ nói lên thân phận của người hát xẩm mà nó chính là tâm trạng của ông khi bị gia đình vợ cấm. Năm 1986, ông Gia mới bỏ hẳn xẩm và chỉ hát khi nhớ nó. Khi nhạc sỹ Thao Giang đưa nhóm hát xẩm về hát ở Phú Đô (huyện Từ Liêm), vô tình tìm lại được ông Gia. Và đến nay, ông là số ít các nghệ nhân hát xẩm còn sống.
Khi sân khấu hát xẩm xuất hiện trên khu phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân từ đầu tháng 4-2006, bỗng nhiên người ta thấy xẩm vẫn còn duyên và mặn mà lắm. Nhạc sỹ Thao Giang, chủ nhiệm chương trình âm nhạc dân gian "Hà Nội 36 phố phường" và cũng là người có công sưu tầm, khôi phục lại nghệ thuật hát xẩm cho rằng, cách buôn bán ở các cửa hàng có thể thay đổi nhưng hồn của bài hát vẫn ở trong tâm thức mỗi người khi họ nghe xẩm. Để phục vụ cho chương trình này, nhóm "Xẩm Hà Nội" đã sưu tầm được khoảng 20 điệu. Ngoài những điệu được phổ từ thơ của Nguyễn Khuyến, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Bính, như "Mục hạ vô nhân, Anh khóa, Lỡ bước sang ngang, Trăng sáng vườn chè…" thì còn nhiều điệu khác, trong đó khá đặc sắc là Xẩm tàu điện do nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trình bày. Nếu ca trù, hát cô đầu là "đặc trưng" của phố Khâm Thiên thì hát xẩm là đặc trưng của chợ Đồng Xuân và phố cổ. Những nghệ sĩ yêu xẩm phải kể đến NSƯT Xuân Hoạch (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), Văn Tý (Viện Văn hóa dân gian), Thanh Ngoan (Nhà hát Chèo Việt Nam), Đoàn Thanh Bình (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh), cô "xẩm trẻ" Mai Tuyết Hoa (Viện Âm nhạc)… cùng các nhạc sỹ Hạnh Nhân, Hồng Thái, Lê Cương, Tự Cường… đã tập hợp về Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam của GS.TS Phạm Văn Khang và nhạc sĩ Thao Giang từ năm 2003. Trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một chương trình xẩm do các nghệ sỹ biểu diễn đã gây ấn tượng mạnh cho du khách. Không chỉ có vậy, xẩm Hà thành còn đi Nhật Bản, Mỹ biểu diễn đã nhận được lời khen ngợi vì sự độc đáo của loại hình âm nhạc đường phố này.
Theo nhạc sĩ Thao Giang, trước năm 1954, những người hát xẩm vẫn chọn ra hai ngày làm giỗ tổ (22-2 hoặc 22-8 âm lịch), nhưng sau này do đất nước có chiến tranh, tục giỗ tổ bị lãng quên. Đến nay, nghệ nhân hát xẩm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, đặc biệt những người coi hát xẩm như một nghề kiếm sống giờ chỉ còn duy nhất nghệ nhân Hà Thị Cầu (vợ út của ông Chánh Trương Mậu, Trùm xẩm đất Ninh Bình xưa). Lễ giỗ tổ năm 2011 đã thiếu vắng hai cây "đại thụ" là cụ Nguyễn Văn Khôi (đã mất) và cụ Hà Thị Cầu (sức khỏe quá yếu), giờ chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Văn Gia. Hiện tại lớp trẻ coi xẩm là thứ nghệ thuật lạc hậu vì thế để bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật đường phố này cần phải có chính sách cụ thể, nếu không thì nó chỉ còn ở trong băng đĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.