(HNMO) - Một lần nữa, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lại đặt ra vấn đề “chính sách visa du lịch của Việt Nam còn nhiều khó khăn”, khiến du khách quốc tế chưa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên. Vậy chính sách visa của Việt Nam có thật sự khó khăn không? Điểm nghẽn là gì và cách giải quyết ra sao?
Xác định “điểm nghẽn”
Theo Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Việt Nam đang miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam cho công dân 13 nước với thời hạn 15 ngày. Nếu khách nước ngoài vào khu du lịch, khu kinh tế ven biển được miễn thị thực với thời hạn tạm trú trong vòng 30 ngày. Trong thời gian này, du khách có thể xuất nhập cảnh nhiều lần (không cần cách nhau ít nhất 30 ngày như trước đây). Hết hạn visa, có thể xét gia hạn tùy trường hợp.
Theo Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Việt Nam đã áp dụng visa điện tử (e-visa) từ 4 năm trước đây. Du khách nước ngoài chỉ cần dùng điện thoại thông minh là có thể xin và được cấp e-visa qua Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an với mức giá 25USD; cấp trả trong vòng 3 ngày, được lưu trú 30 ngày tại Việt Nam.
“Từ ngày 15-3-2022 đến nay, đã có có 1,2 triệu khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam du lịch bằng e-visa, gấp 6 lần số người nhập cảnh bằng hình thức thông thường (khoảng 213.000 người). Về thời hạn lưu trú, luật quy định cán bộ cửa khẩu chỉ đóng dấu 30 ngày. Hết thời hạn, du khách cần quay về xin gia hạn, thời gian lưu trú có thể kéo dài đến 90 ngày”, Đại tá Đặng Tuấn Việt thông tin.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), trước dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/2 Thái Lan. Sau dịch Covd-19, Việt Nam mở cửa trước Thái Lan, nhưng lượng khách quốc tế đến nước ta năm 2022 chỉ bằng 1/3 Thái Lan. Bên cạnh sự hấp dẫn của điểm đến, chính sách visa là lợi thế hàng đầu. Thái Lan miễn thị thực cho công dân 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, thời hạn đến 45 ngày, thông thoáng hơn Việt Nam.
Bàn về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết chính sách cấp visa ngay tại cửa khẩu của Việt Nam vẫn chưa thật thuận tiện. Giao diện tiếng Anh của trang web cấp e-visa vào Việt Nam chưa thân thiện, nên nhiều du khách chưa hào hứng.
Từ phía doanh nghiệp, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho rằng nếu chính sách miễn visa của Việt Nam với các nước kéo dài ít nhất 5 năm, thay vì chỉ 1-3 năm như hiện tại, sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được chiến lược thu hút khách dài hơi. Ngoài ra, du khách từ Liên minh châu Âu chưa gặp thuận lợi khi đến Việt Nam bởi quãng đường đi xa, nhưng thời gian lưu trú miễn visa ngắn so với các nước trong khu vực, nên họ chưa đến nhiều.
Góp ý gỡ vướng
Tiến sĩ Lương Hoài Nam đưa ra 5 đề xuất thay đổi chính sách visa du lịch của Việt Nam. Một là, Việt Nam cần nâng thời gian lưu trú lên 30-45 ngày. Hai là nên miễn visa cho toàn bộ thành viên các nước EU, Canada, Australia, New Zealand, một số quốc gia Trung Đông, Tây Á. Chính sách miễn visa nên kéo dài ít nhất 5 năm. Ba là nâng cấp giao diện e-visa tiện dụng, thân thiện hơn. Bốn là luôn điều chỉnh chính sách visa có tính cạnh tranh, coi đây là công cụ thu hút khách quốc tế. Năm là cần xóa sổ "vấn nạn" dịch vụ visa nhiều mức giá hiện nay (do doanh nghiệp triển khai), khiến du khách quốc tế hiểu sai về chính sách visa của Việt Nam.
Bàn về vấn đề này, ông Mario Mendis, Chủ tịch Tiểu ban Du lịch, Nhà hàng – Khách sạn, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) chia sẻ: Khách du lịch châu Âu đến Việt Nam có thể chia thành hai đối tượng là khách doanh nghiệp đi công tác và khách du lịch; lượng khách đang tăng nhanh. Nếu Việt Nam miễn thị thực dài hơn, khách sẽ ở lâu hơn, đi nhiều nơi hơn, nhất là dòng khách MICE (du lịch hội nghị, hội thảo).
“Việt Nam có nhiều danh thắng trải dài từ Bắc tới Nam, thực sự hấp dẫn du khách châu Âu. Nếu Việt Nam thay đổi chính sách visa theo hướng thông thoáng hơn như Singapore, Thái Lan đang áp dụng và đã thành công, sẽ có cơ hội thu hút được nhiều du khách châu Âu hơn nữa. Đơn cử, du khách Bắc Âu mất 12 tiếng để bay đến Đông Nam Á và chừng đó thời gian để đi về. Nếu ở Việt Nam, họ chỉ ở được 13 ngày. Nếu sang Thái Lan, họ được ở lâu hơn và dễ dàng đi các nơi trong kỳ nghỉ của mình”, ông Mario Mendis chia sẻ.
Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) Trần Phú Cường cho biết, Tổng cục đã có nhiều kiến nghị, góp ý về mở rộng đơn phương miễn thị thực; cấp visa tại cửa khẩu; tạo quy trình cấp thị thực thuận tiện hơn... Cơ quan chức năng đã lắng nghe, chỉnh sửa, nhưng chính sách hiện vẫn chưa có đột phá.
“Chúng tôi mong Chính phủ có điều phối chung để các bên cùng tháo gỡ điểm nghẽn này”, ông Trần Phú Cường đề xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.