(HNMO) - Ngày 19-3, tiếp tục chương trình giám sát về
Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.
Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, huyện thường xuyên quan tâm tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy. Đến nay, nhiều cơ sở đã tự trang bị hệ thống báo cháy nhanh và các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy của người dân còn hạn chế. Địa bàn huyện có 168 trụ nước chữa cháy, trong đó có 155 trụ trong các khu đô thị, 18 trụ được lắp đặt trong các khu, cụm công nghiệp và khu làng nghề. Tuy nhiên, các trụ nước chữa cháy tại các khu làng nghề và cụm công nghiệp không bảo đảm lưu lượng nước chữa cháy. Bên cạnh đó, tại các khu dân cư còn 193 ngõ sâu trên 200m, xe chữa cháy không vào được.
Từ năm 2014 đến năm 2018, địa bàn huyện xảy ra 55 vụ cháy, làm 9 người chết, 6 người bị thương; thiệt hại giá trị tài sản hơn 52 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có hàng nghìn vụ cháy nhỏ được lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng phát hiện, dập tắt kịp thời.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, công tác phòng cháy, chữa cháy không chỉ là công việc của riêng lực lượng phòng cháy, chữa cháy mà là trách nhiệm chung của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của mọi người dân.
Cho rằng, công tác tuyên truyền đã thực hiện nhiều nhưng dường như "chưa đủ ngấm", "chưa đủ độ", Trưởng đoàn giám sát đề nghị, UBND huyện Hoài Đức đánh giá rõ hơn về sự chỉ đạo điều hành, tính chủ động của lãnh đạo, phân tích về kinh nghiệm, phương pháp trong thực hiện phòng cháy, chữa cháy. Huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, để mọi người dân thấm nhuần, thấy hết được tầm quan trọng của việc này. Các cấp chính quyền và các ban, ngành có thẩm quyền thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất. Sau thanh tra, kiểm tra phải chỉ rõ những ưu, khuyết điểm, quy trách nhiệm cho cá nhân, tập thể, có hướng khắc phục và tiến hành hậu kiểm.
Tại huyện Hoài Đức, Đoàn đã đi khảo sát tại Khu công nghiệp La Phù trên địa bàn huyện.
* Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát tiếp tục làm việc với Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên. Cùng dự buổi làm việc có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai.
Theo lãnh đạo Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, doanh nghiệp đang quản lý 20 cụm nhà trên địa bàn thành phố, gồm 40 tòa nhà. Thời gian qua, hệ thống phòng cháy, chữa cháy các tòa nhà cơ bản đã được khắc phục các tồn tại, kiềm chế được số vụ cháy, nổ xảy ra. Tuy nhiên, do yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy ngày càng cao, trong khi các công trình nhà chung cư cao tầng hầu hết đã xây dựng từ lâu, xuống cấp, nên quá trình cải tạo, sửa chữa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc… Dù vậy, đến nay, 39/40 tòa nhà đã được các cơ quan chức năng cấp giấy nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Riêng tòa CT2 thuộc Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông) được xây dựng từ năm 2007 đang chờ xin ý kiến các cơ quan chức năng về giải pháp giải quyết vì gặp khó khăn do tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy hiện nay có sự thay đổi so với trước đây.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá, đơn vị đã nghiêm túc khắc phục, chỉnh sửa những vi phạm về công tác phòng cháy, chữa cháy, chỉ còn tồn tại tại tòa nhà CT2, Khu đô thị Xa La. Tuy nhiên, Trưởng đoàn giám sát lo ngại về mật độ dân số ở tổ hợp chung cư HH Linh Đàm khi có tới 33.000 người sinh sống, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hằng năm, ban quản lý tòa nhà, chủ đầu tư và lực lượng phòng cháy, chữa cháy cần phối hợp tổ chức tập huấn phòng cháy, chữa cháy; gắn biển chỉ dẫn lối thoát hiểm; tính phương án xây dựng cầu thang thoát hiểm để người dân yên tâm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.