Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác định rõ cơ chế kiểm soát quyền lực

TS. Trần Thị Sáu| 11/04/2013 06:31

(HNM) - Một trong những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cơ chế kiểm soát quyền lực quy định tại Khoản 2, Điều 2: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".

Sự khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan khi thực thi quyền lực là bước phát triển mạnh mẽ trong nguyên lý tổ chức quyền lực của Nhà nước ta.

Theo cách hiểu chung nhất, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là tập hợp những thành tố, hình thức, mối liên hệ, các thiết chế mà qua đó thực hiện việc xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ phận thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền lực được thực thi theo đúng Hiến pháp, pháp luật và quyền lực thuộc về nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền tự do dân chủ của nhân dân. Cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong tổ chức và thực thi công quyền. Việc xây dựng một cơ chế kiểm soát hợp lý, đầy đủ và hiệu lực bảo đảm cho guồng máy quyền lực luôn hoạt động hết công suất, đồng thời tránh được tình trạng vận hành ngoài tầm kiểm soát của chủ thể quyền lực dẫn đến quan liêu, lộng hành. Điều này xuất phát từ đặc điểm phân công quyền lực ở Nhà nước ta được thực hiện theo chiều ngang (bao gồm quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp) và theo chiều dọc (phân cấp quản lý giữa TƯ với địa phương). Sự phân công quyền lực như vậy đòi hỏi phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để chắc chắn rằng mỗi cơ quan thực hiện đúng phạm vi quyền năng của mình và không vượt quyền sang nhánh quyền thuộc cơ quan khác. Mặt khác, sự ghi nhận cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong Hiến pháp bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân là yêu cầu tự thân của quá trình xây dựng và vận hành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hoạt động kiểm soát quyền lực thông thường được thực hiện theo cơ chế kiểm soát từ bên trong bộ máy nhà nước (quyền lực kiểm soát quyền lực) và cơ chế kiểm soát từ bên ngoài (từ nhân dân). Tại Dự thảo lần này, mặc dù đã có một số quy định thể hiện việc kiểm soát quyền lực nhưng việc xác định cơ chế này chưa rõ nét. Lý luận cũng như thực tiễn đặt ra cho thấy cần bổ sung một số quy định nhằm hoàn thiện cơ chế này, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Điều 74 Dự thảo quy định: "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước". Như vậy, Quốc hội là cơ quan có quyền lập hiến, lập pháp, cơ quan có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước song tại Dự thảo chưa có quy định xác định cơ quan nào sẽ kiểm soát việc thực hiện quyền của Quốc hội. Mô hình Hội đồng Hiến pháp được mong đợi là cơ quan độc lập thực hiện việc kiểm tra, giám sát quyền lập pháp, quyền hành pháp nhưng trong Dự thảo, cơ quan này trực thuộc Quốc hội và chỉ có chức năng kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản pháp luật, điều ước quốc tế mà chưa có chức năng phán quyết các hành vi vi hiến như yêu cầu thực tiễn đặt ra. Vì vậy, để cơ chế kiểm soát quyền lực được thực thi một cách hiệu quả, Hiến pháp nên quy định việc thành lập Tòa án Hiến pháp thay vì Hội đồng Hiến pháp như hiện nay. Tòa án Hiến pháp độc lập có chức năng phán quyết các quy định, các văn bản pháp luật và các hành vi vi hiến của các cá nhân và tổ chức, tham gia luận tội các quan chức vi phạm Hiến pháp, xem xét tư cách của đại biểu Quốc hội… nhằm bảo đảm khả năng loại bỏ sự lạm dụng quyền lực của bất kỳ nhánh quyền nào trong bộ máy nhà nước.

Bên cạnh đó, mặc dù Dự thảo đã khẳng định quyền giám sát tối cao của Quốc hội nhưng chưa quy định về thiết chế bảo đảm thực thi quyền lực đó. Thực tế, việc giám sát của Quốc hội chỉ thông qua báo cáo, chất vấn tại kỳ họp và hoạt động giám sát của các đại biểu Quốc hội mà chưa kiểm tra một cách toàn diện và sâu sắc hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng hành pháp và tư pháp; chế tài của hoạt động giám sát còn mờ nhạt, chưa đủ mạnh. Vì vậy, cần có các thiết chế nhằm bảo đảm thực thi quyền giám sát tối cao của Quốc hội như lập ra cơ quan Thanh tra của Quốc hội đảm nhiệm chức năng giám sát đồng thời tiến hành điều tra khi có dấu hiệu lạm quyền, quản lý chính sách kém hiệu quả hay có sự tham nhũng trong bộ máy công quyền.

Dự thảo cũng chưa xác định rõ tính độc lập của Quốc hội. Thực tế cho thấy khi đại biểu Quốc hội đồng thời làm việc tại các cơ quan hành pháp, tư pháp thì không thể thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu, đồng thời khó kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhánh quyền lực một cách hiệu quả. Để khắc phục điều này, cần quy định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không phải là công chức trong các cơ quan hành pháp hoặc tư pháp. Chỉ khi hoạt động chuyên trách, đại biểu mới chuyên tâm và có thời gian làm nhiệm vụ của mình một cách độc lập và chuyên nghiệp.

Đối với cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài, Dự thảo chưa quy định rõ nhằm hiện thực hóa quyền này. Đề nghị bổ sung Điều 33 của Dự thảo "Những vấn đề quan trọng của quốc gia phải trưng cầu ý dân". Đồng thời, cần mở rộng và hoàn thiện hơn nữa chế định này theo hướng nhân dân được trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến về những vấn đề quan trọng của quốc gia và thiết lập cơ chế hữu hiệu để cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khi các đại biểu đó không thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu hoặc không còn được nhân dân tín nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định rõ cơ chế kiểm soát quyền lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.