Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác định giá đất sát với giá thị trường là bài toán rất khó

Đình Hiệp| 14/11/2022 11:57

(HNMO) - Sáng 14-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật này với 228 lượt ý kiến phát biểu, trong đó cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường, khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) phát biểu.

Xây dựng bảng giá đất bảo đảm công khai, minh bạch

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho biết, dự thảo luật còn một số nội dung chưa thống nhất với các quy định khác của luật liên quan, chưa giải quyết được triệt để các vấn đề bất cập trong thực tế. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện của pháp luật.

Đối với quy định về bảng giá đất, đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu rõ trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất. Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hằng năm.

 Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) phát biểu.

Về quy định mở rộng đối tượng chuyển nhượng đất trồng lúa tại Điều 57, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, việc không hạn chế tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp nhận quyền chuyển nhượng đất trồng lúa cũng là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Để bảo đảm diện tích đất trồng lúa của địa phương và của cả nước, đại biểu đề nghị phải có biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc nhận chuyển nhượng, kiểm soát việc chuyển đổi mục đích của chuyển nhượng để tránh tình trạng cá nhân lợi dụng chính sách thu gom đất này mà phải không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp.

Đề cập về giá đất tại Chương 11, đại biểu cho rằng đây là nội dung sửa đổi quan trọng, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, làm sao để xác định giá đất sát với giá thị trường là một bài toán rất khó. Do đó, đại biểu cho rằng việc xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ và cần quy định chặt chẽ công tác công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng sốt đất ảo, giúp cân bằng ổn định về giá thị trường, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

 Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) phát biểu.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) đồng thuận với việc sửa đổi Luật Đất đai hiện hành nhằm khắc phục những bất cập hiện tại. Về quyền và trách nhiệm của công dân về đất đai được đề cập trong dự án Luật, đại biểu cho rằng dự án luật cần nêu cụ thể về quyền và trách nhiệm của công dân khi tham gia góp ý vào thảo luận, kiến nghị với cơ quan với Nhà nước về sử dụng đất đai; tham gia ý kiến về định giá đất, bồi thường, quy hoạch đất đai ở địa phương. Theo đại biểu, ngoài quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai tại Mục 3, Chương II, qua nghiên cứu cho thấy, việc dự thảo luật bổ sung một mục mới về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai là rất phù hợp nhằm bảo đảm thể chế hóa quan điểm của Đảng.

Quy định rõ về điều kiện thu hồi đất

Quan tâm đến quy định về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho rằng, các quy định về điều kiện thu hồi đất còn chưa đầy đủ, chung chung, chưa cụ thể. Đại biểu nhấn mạnh, trong điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần làm rõ yếu tố “thật cần thiết”, quy định rõ các điều kiện nào là “thật cần thiết” để đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra minh bạch, tuân thủ đúng quy định trong Hiến pháp năm 2013. Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó, cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động.

Đại biểu đề nghị cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư để người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi. Về các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu đề nghị cần rà soát, đánh giá lại các trường hợp thu hồi đất theo quy định của luật hiện hành xem còn phù hợp hay không. Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai.

 Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) phát biểu.

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) đề nghị cân nhắc rất kỹ về tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Theo đại biểu, thể chế, quan điểm của Trung ương phải trên tinh thần tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân trong việc quyết định quyền sử dụng đất (giao cho doanh nghiệp hay góp vốn, định giá). Tuy nhiên, về giá phải thống nhất một mức giá theo quy định của giá nhà nước, để đảm bảo sự công bằng, minh bạch; đồng thời, cần quan tâm đến cơ chế và kiểm soát thỏa thuận này như thế nào.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định, do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, lạm quyền gây bức xúc trong nhân dân. Đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng, những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi; còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quy hoạch đất phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Đất đai phải có sự rà soát sự chồng chéo với các luật khác, tránh trường hợp khi sửa đổi Luật Đất đai vẫn phải sửa đổi nhiều luật hoặc Luật Đất đai được thông qua nhưng các luật khác lại gặp nhiều cản trở trong việc thực thi. 

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp sáng 14-11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 26 đại biểu phát biểu, trong đó 22 đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận. Theo chương trình, chiều nay, 14-11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xác định giá đất sát với giá thị trường là bài toán rất khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.