Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác định địa vị pháp lý của hai định chế ngân hàng trong Luật Các tổ chức tín dụng

Mai Hữu| 09/05/2023 17:19

(HNMO) - Chiều 9-5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày tờ trình.

Luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14

Trình bày tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 13 Chương, 195 Điều. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, như: Sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông và người có liên quan tại tổ chức tín dụng...

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử như: Bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…

Để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tổ chức tín dụng…

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để bảo đảm có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt. Ngoài ra, dự thảo Luật đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Quang cảnh phiên họp.

Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “can thiệp sớm” và “thanh lý, phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể về đối tượng áp dụng là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đối với nội dung hoạt động được phép của tổ chức tín dụng, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ quy định về việc “tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng” do có thể không bao quát hết các hoạt động mà Ngân hàng Nhà nước chấp thuận dưới các hình thức khác, bảo đảm không gây vướng mắc, lúng túng cho tổ chức tín dụng khi triển khai trong thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận.

Cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật

Phát biểu thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật mới chỉ đề cập về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhưng vấn đề của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam lại không được đề cập đến. Trong khi đây là những định chế tài chính quan trọng nhưng lại không có luật quy định mà chỉ hoạt động theo văn bản dưới luật. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn trong thực tiễn hoạt động, thậm chí phải thực hiện quá trình tái cơ cấu.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Luật nên có chương riêng để quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam để luật hóa quy định, xác định địa vị pháp lý, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu phát triển các ngân hàng này.

Thảo luận về đối tượng áp dụng, dự thảo luật bổ sung thêm tổ chức nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua bán, xử lý nợ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, việc bổ sung đối tượng này là phù hợp. Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị quy định rõ hành vi bị cấm trong hoạt động ngân hàng như việc lợi dụng người đứng tên để chi phối quyền sở hữu, lách quy định để phục vụ lợi ích cho một nhóm cá nhân... Cần nghiên cứu thể chế thêm một số quy định đối với các công ty tài chính trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân, để giảm tình trạng mất an ninh, trật tự trong lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất nghiên cứu đưa hai ngân hàng chính sách vào phạm vi điều chỉnh của luật. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, hai tổ chức tài chính này đã thực hiện một số hoạt động như là các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, vì vậy, cần đưa ra quy định có tính nguyên tắc để xử lý các vấn đề thuộc hoạt động của hai ngân hàng này.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tích cực tiếp thu tối đa ý kiến để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xác định địa vị pháp lý của hai định chế ngân hàng trong Luật Các tổ chức tín dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.