Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác định Chỉ số cải cách hành chính: Ngày càng sát thực, khách quan

Phong Thu| 10/03/2015 06:32

(HNM) - Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều cách thức theo dõi, đánh giá việc thực hiện cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị như: Kiểm tra định kỳ, đột xuất; qua các chương trình, đề án; hướng dẫn của Sở Nội vụ… và cho những kết quả khá tích cực.


Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện một số hạn chế, nhược điểm như: Chưa hoàn toàn khách quan, nặng về định tính và nhất là thiếu sự tham gia đánh giá của người dân, doanh nghiệp. Từ hạn chế đó đòi hỏi phải xây dựng cơ chế theo dõi, đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã hiệu quả, chính xác hơn. Điều này cũng phù hợp với việc Bộ Nội vụ đang tiến hành đánh giá, xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh, cấp bộ. Tháng 12-2014, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đề án "Xác định chỉ số CCHC áp dụng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội giai đoạn 2015-2020". Đề án có những quy định mới trong đó đặc biệt coi trọng ý kiến nhận xét, đánh giá của người dân, doanh nghiệp đối với mỗi cơ quan, đơn vị.

Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Thường Tín. Ảnh: Lê Tuấn


Theo đề án đã được phê duyệt, Chỉ số CCHC phải bảo đảm tính thực chất, toàn diện, khách quan, đơn giản, công bằng và thời sự, trong đó chú trọng các tiêu chí phản ánh kết quả và việc đánh giá thông qua điều tra, khảo sát ý kiến của người dân và doanh nghiệp (đối tượng thụ hưởng dịch vụ hành chính công). Chỉ số CCHC sẽ được áp dụng ở các sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã. Chỉ số CCHC dùng cho cấp sở và cấp huyện cùng có thang điểm 100, được xác định trên 8 lĩnh vực: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính; hiện đại hóa hành chính và thực hiện cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông".

Chỉ số CCHC cấp sở có 31 tiêu chí, 95 tiêu chí thành phần, còn cấp huyện có 35 tiêu chí và 118 tiêu chí thành phần. Trong tổng điểm 100, thang điểm đánh giá qua điều tra xã hội học (XHH) đối với cấp sở chiếm 30/100 điểm, của cấp huyện là 38/100 điểm. Trong năm 2015, TP Hà Nội sẽ sơ kết thí điểm việc triển khai Chỉ số CCHC, giai đoạn 2016-2020 sẽ triển khai thực hiện xác định Chỉ số CCHC hằng năm.

Ngay sau khi đề án được phê duyệt, Tổ công tác xây dựng đề án xác định Chỉ số CCHC đã làm việc với các đơn vị được chọn triển khai thí điểm gồm: Văn phòng UBND thành phố; các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; UBND các quận, huyện, thị xã: Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thường Tín, Sơn Tây. Xác định công tác điều tra, khảo sát ý kiến của người dân, doanh nghiệp có vai trò quan trọng, tạo nên tính khách quan của Chỉ số CCHC, mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã tổ chức tập huấn điều tra XHH cho các đơn vị làm điểm và các nghiên cứu viên, điều tra viên của viện. Qua đó, giúp các chủ thể trong hoạt động điều tra XHH nắm chắc cách thức lấy thông tin, phỏng vấn trực tiếp đối với từng loại phiếu, từ đó có đánh giá khách quan nhất về hiệu quả CCHC.

Theo Kế hoạch số 56/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, thời gian điều tra, thu thập thông tin từ các đơn vị tiến hành từ tháng 3 đến hết tháng 5-2015. Trong đó, tháng 3 và 4 tổ chức điều tra, còn tháng 5 xử lý, phân tích và hoàn thành báo cáo. Đến thời điểm này, nhìn chung các đơn vị thí điểm đều thể hiện quyết tâm rất cao. Một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ cũng được các đơn vị phản ánh về Tổ công tác. Chẳng hạn Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mẫu phiếu cá nhân đánh giá về công tác CCHC của sở có một số câu hỏi liên quan đến TTHC thì khó có thể nhận được ý kiến đánh giá đúng thực tế vì đa số các TTHC được thực hiện ở cấp xã, cấp huyện. Đại diện UBND quận Nam Từ Liêm băn khoăn chưa biết nộp hồ sơ cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội bằng cách nào bởi năm 2014, quận tiếp nhận 43.000 hồ sơ, nếu phải phô tô nộp tất cả thì quá nhiều. Chưa kể, từ tháng 1-2015, quận đã sử dụng phần mềm mới theo quy định của thành phố nên không sử dụng phần mềm cũ dẫn tới việc tìm số liệu năm 2014 gặp khó khăn. Tương tự, Sở Kế hoạch và Đầu tư năm nào cũng tiếp nhận khoảng gần 80.000 hồ sơ nên việc nộp toàn bộ thông tin hồ sơ cho viện cũng sẽ gặp khó. Bên cạnh đó, đại diện nhiều đơn vị cho rằng, việc hỏi công dân, doanh nghiệp đánh giá, nhận xét về thái độ, kết quả giải quyết hồ sơ hành chính từ năm 2014 - cách thời điểm hiện tại hàng năm thì không phải ai cũng nhớ chính xác...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xác định Chỉ số cải cách hành chính: Ngày càng sát thực, khách quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.