Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 24-7-2025 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai “Chiến dịch 45 ngày đêm ra quân hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số tại các xã, phường trong giai đoạn đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội", xã Ứng Hòa đã tổ chức nhiều hoạt động chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ.
Qua đó, thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong xây dựng chính quyền số, xã hội số vì mục tiêu phục vụ nhân dân tốt hơn và phát triển bền vững.
Quyết tâm chính trị cao trong chiến dịch chuyển đổi số
Theo báo cáo của UBND xã Ứng Hòa, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả. Xác định tầm quan trọng đó, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã đưa chuyển đổi số trở thành một trong ba khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ hiện tại. Xã đã xây dựng các chỉ tiêu cụ thể, kế hoạch hành động rõ ràng, nhằm triển khai chuyển đổi số toàn diện trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trong thời gian qua, xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số tới từng thôn, xóm. Các tổ chuyển đổi số cộng đồng được thành lập, với nhiệm vụ hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt, khai thác các ứng dụng hành chính điện tử…
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Ứng Hòa Nguyễn Đức Bình, xã Ứng Hòa cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Hạ tầng công nghệ thông tin tại địa phương chưa được trang bị đầy đủ theo quy chuẩn an toàn bảo mật. Hệ thống mạng nội bộ còn đơn giản, thiếu tính kết nối; các phần mềm chuyên ngành vận hành rời rạc, chủ yếu sử dụng trên máy tính đơn lẻ, khó tích hợp và liên thông dữ liệu. Nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số còn thiếu và yếu; việc đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho cán bộ cơ sở và người dân chưa được triển khai sâu rộng.
“Không phải ai cũng hiểu rõ vai trò của chuyển đổi số trong quản lý và phát triển địa phương. Một bộ phận cán bộ vẫn coi đây là nhiệm vụ của bộ phận công nghệ thông tin, thay vì là công cụ hỗ trợ điều hành, phục vụ người dân. Chúng tôi đang nỗ lực để thay đổi tư duy đó”, đồng chí Nguyễn Đức Bình cho hay.
Một vấn đề lớn khác là, cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn manh mún, thiếu tính thống nhất. Việc cập nhật, chia sẻ và khai thác thông tin giữa các phòng, ban và cấp trên gặp nhiều khó khăn...
Lấy con người và dữ liệu làm trọng tâm
Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ VINASA, thành viên Hội đồng Tư vấn quốc gia, thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Hà Nội, vai trò của cấp xã trong chuyển đổi số là “xương sống” và “tuyến đầu”. Chính quyền cấp xã là nơi trực tiếp cung cấp dịch vụ công, tiếp xúc và phục vụ người dân hằng ngày. Việc xây dựng dữ liệu dân cư “đúng - đủ - sạch - sống” là nền tảng quan trọng của chính quyền số. Mô hình như xã Ứng Hòa với phương châm “Bình dân học vụ số” là hướng đi đúng: Lấy con người làm trung tâm, dữ liệu làm nền tảng và công nghệ là công cụ phục vụ.
Với quyết tâm cao, xã Ứng Hòa đang từng bước đưa chuyển đổi số vào mọi phương tiện của đời sống. Theo Bí thư Đảng ủy xã Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết, chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá, mang tính quyết định trong tiến trình xây dựng xã phát triển theo hướng thịnh vượng, bản sắc, xanh, thông minh và bền vững. Chỉ khi có sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân, công cuộc chuyển đổi số mới có thể thành công và đi vào chiều sâu, thực chất.
Để hiện thực hóa quyết tâm đó, Đảng ủy xã Ứng Hòa đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề quan trọng, vừa thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế, vừa xác lập rõ các mục tiêu, nhiệm vụ và phân công cụ thể cho từng cấp, từng ngành.
Một là, lấy con người làm trung tâm của chuyển đổi số. Đẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ số”, nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng số thiết yếu, như: VNeID, iHanoi được chú trọng và triển khai sâu rộng.
Hai là, xây dựng hạ tầng dữ liệu được xác định là nhiệm vụ cốt lõi. Mỗi cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và tổ chức đều phải có trách nhiệm trong việc thu thập, cập nhật và sử dụng dữ liệu “đúng - đủ - sạch - sống”. Xã tập trung xây dựng bản sao số và hệ thống điều hành nội bộ trên nền tảng số hóa toàn diện.
Ba là, đầu tư hạ tầng và nguồn lực phục vụ chuyển đổi số. Xã triển khai quyết liệt “Chiến dịch 45 ngày đêm” theo Chỉ thị số 11 của UBND thành phố, đồng thời xây dựng hệ thống kỹ thuật phục vụ số hóa, nâng cấp cơ sở vật chất tại các điểm “Bình dân học vụ số”, triển khai mô hình dịch vụ công lưu động, nhằm đưa dịch vụ số đến gần dân hơn.
Bốn là, phân công rõ ràng trách nhiệm giữa các lực lượng trong hệ thống chính trị địa phương. UBND xã bố trí cơ sở vật chất, triển khai các điểm dịch vụ công lưu động và hỗ trợ người yếu thế tiếp cận chuyển đổi số. Các phòng chuyên môn rà soát, cập nhật và chuẩn hóa dữ liệu; phối hợp vận hành bản sao số và hệ thống điều hành nội bộ; tổ chức tập huấn kỹ năng số cho cán bộ. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên tham gia chuyển đổi số, phối hợp chặt chẽ với tổ công nghệ cộng đồng. Các trường học tổ chức giáo dục kỹ năng công dân số, mở lớp kỹ năng số cho học sinh và phụ huynh. Trưởng thôn, bí thư chi đoàn hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tích cực vận động người dân tham gia số hóa thông tin dân cư và các dịch vụ công.
Với quyết tâm chính trị cao, giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, xã Ứng Hòa đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu trong chuyển đổi số ở địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.