Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Xã thông minh” Song Phượng

Nguyễn Mai| 13/04/2023 06:46

(HNM) - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đã thực hiện mô hình “thôn thông minh” ở 4/4 thôn. Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong sinh hoạt, đời sống và giúp chính quyền địa phương trong công tác quản lý địa bàn. Từ “thôn thông minh”, Song Phượng đang xây dựng “xã thông minh”...

Người dân thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) tìm hiểu bảng quét mã QR hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính.

Mô hình hay trong thời đại 4.0

Ngay phía đầu cổng chào vào thôn Tháp Thượng của xã Song Phượng, một bảng quét mã QR hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính, như khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực... được treo vừa tầm mắt, ở vị trí dễ quan sát nhất cho người dân sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng Ngô Thế Anh giới thiệu, với 20 bảng mã quét như vậy, được đặt tại các nhà văn hóa, điểm công cộng, đầu các ngõ xóm, người dân có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, không phải đến trụ sở UBND xã. Cách thức thực hiện cũng thuận lợi, người dân có điện thoại thông minh, quét mã thủ tục cần giải quyết là sẽ hiện ra đường link, điền các thông tin liên quan và hoàn thành sau khi bấm gửi đến cơ quan chức năng. Sau đó, hệ thống sẽ gửi thông tin chờ lấy kết quả cho người dân theo quy định.

Camera an ninh cũng là một trong những kết quả ấn tượng mà xã Song Phượng đã thực hiện. Đến nay, cả xã đã lắp đặt khoảng 600 camera, trong đó, UBND xã lắp được gần 100 camera tại các vị trí trọng yếu từ nguồn xã hội hóa; số còn lại là camera của các hộ dân lắp trước cửa nhà. Trưởng Công an xã Song Phượng Phùng Tuấn Phát cho biết, hệ thống camera an ninh đã phát huy hiệu quả cao trong công tác giám sát an ninh trật tự trên địa bàn. “Là xã ven đô, giáp ranh với một số xã thuộc huyện Phúc Thọ và huyện Hoài Đức, nhưng từ khi có hệ thống camera an ninh (tháng 10-2022) đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được bảo đảm”, ông Phùng Tuấn Phát cho hay.

Cùng với những ích lợi từ công nghệ số, Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phượng đã thành lập trang fanpage “Nông sản sạch Song Phượng”, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, như kẹo lạc, nấm, bưởi Diễn với gần 100 nông dân trên địa bàn xã tham gia.

Ngoài ra, xã đã hướng dẫn 4 thôn thành lập nhóm Zalo của thôn do trưởng thôn làm trưởng nhóm, thành viên là các tổ trưởng tổ tự quản; thành lập 36 nhóm Zalo tự quản do tổ trưởng tổ tự quản là trưởng nhóm, thành viên là các gia đình trong tổ. Từ khi có các nhóm Zalo này, thông tin tương tác “hai chiều” từ thôn, xã tới dân và từ dân tới thôn, xã được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác, thuận lợi.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Song Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm, từ năm 2010, Song Phượng đã được chọn làm điểm mô hình xây dựng nông thôn mới của thành phố. Tiếp đó, xã cũng là địa phương đầu tiên của thành phố Hà Nội và huyện Đan Phượng hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao (2018) và kiểu mẫu (2021). Không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, nhận thấy “thôn thông minh” là mô hình hay, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại 4.0, xã Song Phượng đã thực hiện đồng loạt ở 4/4 thôn, bắt đầu từ tháng 10-2022 và đến nay đang phát huy hiệu quả rõ rệt.

Xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh

Mặc dù là mô hình mới, nhưng quá trình thực hiện cho thấy không quá khó đối với xã Song Phượng. Chia sẻ cách làm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Thế Anh cho biết, địa phương đã huy động được nguồn lực của cả xã hội thực hiện mô hình “thôn thông minh”, "xã thông minh".

Đến nay, tổng kinh phí thực hiện mô hình “thôn thông minh” ở Song Phượng là hơn 400 triệu đồng. Thế nhưng, xã chỉ phải bỏ ra 50 triệu đồng từ nguồn ngân sách, còn lại đều là vốn xã hội hóa. Cụ thể, VNPT Hà Nội đã hỗ trợ xã mở rộng phủ sóng wifi ở nhà văn hóa 4 thôn, hỗ trợ sim 4G để người dân trải nghiệm với tổng số tiền 30 triệu đồng; 2 doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ 30 triệu đồng; Huyện đoàn Đan Phượng hỗ trợ 36 triệu đồng… Đặc biệt, chỉ trong 8 ngày phát động, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã đã hỗ trợ được 236 triệu đồng để lắp đặt camera, đèn năng lượng mặt trời tại các ngõ xóm.

Không những vậy, UBND xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng của xã và 4 tổ công nghệ số cộng đồng tại 4 thôn, với hơn 100 thành viên tham gia. Các thành viên của những tổ này đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vừa khảo sát, vừa hướng dẫn người dân chuyển đổi số.

Theo Bí thư Đoàn thanh niên xã Song Phượng Nguyễn Văn Nhật, đoàn viên thanh niên của xã là lực lượng nòng cốt trong hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ số. Trong đó, các đoàn viên thanh niên làm trong lĩnh vực ngân hàng sẽ hỗ trợ người dân tạo mã QR cho các hộ kinh doanh; phối hợp với Viettel Đan Phượng lập tài khoản Viettel Money và điểm thanh toán trực tuyến cho các điểm kinh doanh…

Thành công của mô hình “thôn thông minh” là tiền đề để Song Phượng xây dựng “xã thông minh”, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số…, chung tay góp sức vì quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Xã thông minh” Song Phượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.