(HNM) - Minh Trí là xã vùng sâu vùng xa của huyện Sóc Sơn, nơi đây có thôn Minh Tân hay còn gọi là Đồng Đò là một trong những thôn khó khăn nhất của Thủ đô…
Cái khó của xã nghèo
Chủ tịch UBND xã Tạ Văn Viễn cho biết, xã Minh Trí có tổng diện tích đất tự nhiên 2.435,37ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 405,99ha, chiếm 16,7% diện tích đất tự nhiên. Địa bàn xã là vùng đồi gò, ruộng bậc thang lồi lõm, đất bạc màu. Vùng cao thường gặp hạn về mùa khô, vùng úng thì bị ngập lụt về mùa mưa. Sáu thôn có diện tích đất nông nghiệp lớn là Thái Lai, Gò Gạo, Vụ Bản, Lập Trí, Thắng Trí, Thắng Hữu nhưng ruộng đất hết sức manh mún (từ 6 đến 12 thửa/hộ). Diện tích các thửa không đồng đều, bố trí phân tán, đan xen nên rất khó khăn cho việc quy hoạch, tưới tiêu cũng như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Thậm chí nhiều vùng hệ thống thủy lợi còn chưa tới được nên sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Do đó, giá trị sản xuất thấp và cái nghèo đeo bám.
Đặc biệt, xã có một thôn xa nhất là thôn Minh Tân (còn gọi là làng Đồng Đò) cách trung tâm xã tới 10km nên việc phát triển kinh tế hết sức khó khăn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, mặc dù thành phố và huyện đã quan tâm đầu tư hạ tầng, điện, đường, trường, trạm cho Đồng Đò khiến đời sống người dân khấm khá hơn nhưng vẫn cần thêm thời gian để người Đồng Đò vươn lên thực sự thoát nghèo. Mặc dù thiên nhiên ở đây khá đẹp với những cánh đồng bạch đàn xanh mướt và hồ Đồng Đò trong xanh nhưng đời sống người dân nơi đây vẫn nhiều khó khăn. Cả thôn rộng tới 1.000ha nhưng chỉ có trên 130 hộ với gần 600 nhân khẩu, trong đó có trên 70% số hộ nghèo và cận nghèo. Đất rộng nhưng có tới 70% diện tích là rừng và hồ thủy lợi, chỉ có 30% là đất sinh sống và sản xuất của người dân, trong đó đất nông nghiệp chỉ khoảng 20ha. Một năm có một vụ lúa nhưng năng suất không cao nên nhiều người thôn Minh Tân phải ăn đong. Tuy có rừng nhưng là rừng phòng hộ nên người dân Đồng Đò không thể khai thác rừng trồng mà chỉ nhận công chăm sóc 300.000 đồng/ha/năm nên không thể giúp các hộ làm ăn khấm khá. Không có đất nông nghiệp, thiếu nước tưới, lương thực chẳng dôi dư khiến người dân Đồng Đò chỉ nuôi con gà, con lợn để cải thiện mà không thể phát triển chăn nuôi lớn. Trưởng thôn Minh Tân Nguyễn Đình Cường than thở, nuôi được con lợn đã khó đến khi xuất chuồng vẫn còn vất vả do đường xa, đi lại khó khăn, lái buôn ngại vào bắt lợn. Nuôi bò ở Đồng Đò cũng chẳng dễ vì đất đai không cho cỏ ngọt nên bò chậm lớn, hiệu quả kinh tế thấp…
Ước vọng thoát nghèo
Những ngày này, về Minh Trí, trên các cánh đồng, dễ dàng thấy hoạt động của các tổ công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) đi cắm mốc địa giới nhận đất vì địa phương vừa hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa ở các thôn Thái Lai, Lập Trí. Mặc dù không phải xã làm điểm về xây dựng NTM của huyện nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã đặt ra mục tiêu hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa trong năm nay để tạo bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Xuyến, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, với đặc điểm diện tích đất đai đồi gò, Minh Trí rất thích hợp cho việc đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt là du lịch nên về lâu dài, địa phương xác định nhiệm vụ hàng đầu là việc xây dựng khu CN sạch Minh Trí và khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái và nghỉ cuối tuần hồ Đồng Đò gắn với phát triển rừng. Từ đó cải thiện đời sống của người dân làm nghề rừng bằng đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, phát triển rừng kết hợp với du lịch để tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Nói về hướng thoát nghèo của địa phương, Trưởng thôn Minh Tân phấn chấn cho biết: Thời gian gần đây, người dân mạnh dạn mang cây đào phai về trồng thử đã cho thấy hiệu quả kinh tế tốt vì hợp đất nên địa phương sẽ mở rộng diện tích trong thời gian tới. Bên cạnh đó là khai thác lợi thế về đất đồi rộng để đưa các mô hình chăn nuôi lợn sạch, rau sạch, gà đồi trên diện tích 50ha. Đối với diện tích đất nông nghiệp ổn định, từ thành công trong công tác dồn điền đổi thửa tại ba thôn, trong năm 2012, xã tiếp tục nhân rộng ra các thôn còn lại để từng bước đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng cũng như quy hoạch các vùng sản xuất cho phù hợp với đặc thù của từng nơi để nâng cao giá trị đất canh tác. Hy vọng là luồng sinh khí mới sẽ giúp cho đất nghèo Minh Trí thay da đổi thịt từng ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.