(HNM) - Ngày 24-6 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ KH&ĐT và UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị về nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tại TP, nhằm tìm kiếm nguồn vốn cho các dự án phát triển hạ tầng đến năm 2020; bàn về hợp tác công - tư và kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án trọng điểm của TP.
TP Hồ Chí Minh đang xây dựng hạ tầng để chuẩn bị cho TP 10 triệu dân. |
Hợp tác công - tư đẩy nhanh phát triển hạ tầng
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, từ nay đến năm 2020, nếu Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng GDP 7%-8% như mong muốn thì phải đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm giao thông, điện, nước, môi trường… và phải cần từ 100 đến 150 tỷ USD. Đây là một con số rất lớn nên nếu chỉ trông chờ vào các kênh huy động vốn "truyền thống" như thu ngân sách, phát hành trái phiếu, vốn vay ODA… thì chỉ đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu. Số 50-60% còn lại có thể huy động từ nguồn vốn của tư nhân trong và ngoài nước, tuy nhiên, các hình thức đầu tư BOT, BTO, BT hiện nay chưa thực sự thu hút mạnh vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt là lĩnh vực giao thông.
Với TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết, nhu cầu về vốn trong 5 năm tiếp theo là trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật là khoảng 15 tỷ USD (khoảng 300.000 tỷ đồng). Riêng ngành giao thông cần khoảng 10 tỷ USD (2 tỷ USD/năm), trong khi đó, ngân sách chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu mong muốn.
"Khoảng trống" còn lại đó, theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông thì huy động nguồn vốn tư nhân theo mô hình hợp tác công - tư (PPP - Public Private Partnership) là sự lựa chọn phù hợp và tối ưu nhất. PPP - theo bà Vũ Quỳnh Lê, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu) - sẽ giúp tăng hiệu quả huy động vốn và từ đó tăng hiệu quả nguồn vốn. Một điểm quan trọng nữa là vì nguồn vốn tư nhân do các nhà đầu tư chịu trách nhiệm, nhà nước không bảo lãnh nên nợ chính phủ sẽ không tăng như các phương thức huy động vốn khác.
Cần một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch
Bởi mô hình PPP còn quá mới, nếu không xác định rõ ràng, cụ thể vai trò nhà nước - tư nhân thì sẽ khó để thực hiện. Bà Lê cho biết, hiện Bộ KH&ĐT đã dự thảo quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ. Theo dự thảo quy định cơ cấu vốn góp trong PPP sẽ gồm 30% nguồn vốn của nhà nước, 21% là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, số còn lại 49% là vốn vay thương mại của nhà đầu tư. Với vốn vay của nhà đầu tư, nhà đầu tư sẽ tự chịu trách nhiệm rủi ro, không được yêu cầu bảo lãnh của chính phủ, vì vậy không dẫn đến nợ quốc gia.
Vậy làm gì để các nhà đầu tư muốn đầu tư theo mô hình PPP, theo Ông Đặng Huy Đông thì quy trình công khai, minh bạch sẽ tạo niềm tin cho các chủ đầu tư. PPP cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đi "ngược" lại phương thức truyền thống: thay vì nhà đầu tư phải "gõ cửa" cơ quan nhà nước thì bây giờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ lập báo cáo khả thi và chuẩn bị sẵn, khi nhà đầu tư được lựa chọn chỉ còn triển khai dự án. Nhà nước sẽ không đẩy khó về phía nhà đầu tư.
Về phần TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Tài cho rằng PPP là mới, tuy nhiên phương thức tương tự đã được TP áp dụng từ rất lâu. Đó là quỹ đầu tư phát triển của TP, hình thành cách đây 13 năm và rất nhiều công trình của TP do tư nhân đầu tư và nhà nước cùng đầu tư đã hoàn thành. Vì vậy với PPP, TP tin tưởng rằng sẽ áp dụng thành công, nhất là khi đã có chính sách và hành lang pháp lý rõ ràng để các nhà đầu tư lựa chọn và thực hiện.
Tại hội thảo, TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi đầu tư vào 61 dự án cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2020. Các dự án gồm bãi đậu xe, đường giao thông, chống ngập… có thể đầu tư bằng hình thức là BOT, BT hoặc các hình thức phù hợp khác. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.