(HNMCT) - Cơ quan quản lý muốn “buông” sau một thời gian “làm mẫu” cho phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng vẫn chưa có đơn vị xã hội hóa nào “giơ tay” - ấy là thực tế đang diễn ra trong lĩnh vực giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Làm thế nào để huy động sức mạnh từ nguồn xã hội hóa vào việc làm trong sạch, lành mạnh hóa thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh hiện nay? Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành đã có cuộc trò chuyện với Hànộimới Cuối tuần về vấn đề này.
- Thưa Cục trưởng, ông có thể cho biết lý do chính mà Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm muốn rút ra khỏi hoạt động giám định sau một thời gian thực hiện?
- Qua khảo sát, trao đổi với một số nước chúng tôi nhận thấy ở các nước có thị trường mỹ thuật, tức là có sự mua bán, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh thì đều có các tổ chức, cá nhân làm công tác giám định tác phẩm, cấp giấy chứng nhận giám định tác phẩm để tác phẩm đó được tham gia vào hoạt động mua bán, đấu giá. Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giám định tác phẩm mỹ thuật đều là các đơn vị tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân, không có nước nào công tác giám định tác phẩm mỹ thuật lại do cơ quan Nhà nước thực hiện. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà công tác giám định tác phẩm mỹ thuật lại do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện. Do vậy tiến tới xã hội hóa là điều tất yếu.
- Vậy đâu là lý do chính khiến việc xã hội hóa công tác giám định mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam hiện nay gặp khó khăn, thưa ông?
- Nhu cầu giám định tác phẩm của các nhà sưu tầm, các bảo tàng, của người chơi tranh, của những người kinh doanh, mua bán tác phẩm là có thật và đang diễn ra hằng ngày, nhưng giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh vẫn là công việc hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị, máy móc kỹ thuật. Tất cả chỉ là con số không nên bắt đầu sẽ rất khó khăn, trong đó có 4 khó khăn chính. Một là chưa có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn và điều chỉnh vì đây là lĩnh vực chuyên ngành, các văn bản hiện có vẫn chung chung, khó áp dụng, rất khó khi triển khai cho các đơn vị ngoài nhà nước.
Hai là tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng, không ai chịu ai, ai cũng cho mình là giỏi, là hiểu biết và không muốn công nhận khả năng của người khác, không công nhận trọng tài vẫn đang đè nặng trong suy nghĩ của nhiều người. Thứ ba là máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật chuyên dụng phục vụ việc giám định hiện phải nhờ hoàn toàn vào Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Và thứ tư là chúng ta chưa xây dựng được ngân hàng dữ liệu về tác giả, tác phẩm để kiểm tra, đối chiếu.
- Nhiều người có chung nhận định rằng giám định mỹ thuật, nhiếp ảnh là lĩnh vực khó, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm với quá nhiều lợi thế về uy tín, nhân lực, điều kiện máy móc... còn chưa làm được thì nói gì tới các đơn vị bên ngoài. Ông nghĩ sao về điều này?
- Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thuộc Cục đã đi vào hoạt động được 11 tháng và chưa nhận một vụ nào chính thức. Như bạn biết, khi thị trường xảy ra một loạt vụ đạo nhái, tranh giả tràn vào bảo tàng... chúng ta bức xúc lắm, thấy cần phải có ngay một trung tâm giám định. Nhưng lúc không có thì thấy thiếu mà lúc có thì thấy thừa. Tuy vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm đưa trung tâm đi vào hoạt động, góp phần làm minh bạch, công khai thị trường mỹ thuật hiện nay.
Trong thời gian qua cũng đã có 7 trường hợp đặt vấn đề nhờ trung tâm giám định và sắp tới UBND thành phố Đà Nẵng cũng có ý kiến nhờ Trung tâm giúp giám định 326 tác phẩm của một nhà sưu tầm Nhật Bản chuyển giao và tặng cho thành phố Đà Nẵng. Nhu cầu xã hội là có nhưng nó gặp phải 4 trở ngại như tôi vừa nói. Đặc biệt là những người tham gia hoạt động mỹ thuật hiện nay chưa có thói quen giám định tác phẩm mỹ thuật, chưa muốn bảo chứng tác phẩm của mình một cách minh bạch.
Không phải ngay lập tức chúng ta tạo được tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý nhà nước, giữa những người muốn một thị trường công khai minh bạch và những người muốn tranh thủ những điểm chưa chặt chẽ của pháp luật để trục lợi. Bởi vậy hiện nay vẫn tồn tại tình thế giằng co này...
- Rõ ràng, bên cạnh khó khăn của đơn vị giám định thì tâm lý của chính những nhà sưu tầm cũng đang là rào cản cho việc xã hội hóa lĩnh vực này?
- Đúng vậy, những người chơi tranh đều có tâm lý nếu đã đi giám định thì phải nhận được kết quả tranh của tôi là thật. Nếu bây giờ mới nhìn bằng mắt thường đã thấy không thật thì ai muốn giám định nữa. Thực tế khi làm công tác cấp phép triển lãm, chúng tôi cũng gặp nhiều trường hợp như vậy. Điều này cũng phản ánh một số nhà sưu tầm của chúng ta chưa thật tinh. Lĩnh vực này đòi hỏi người chơi phải có trình độ thẩm định nhất định nếu không rất dễ bị mắc lừa. Sưu tầm nghệ thuật là cả một vấn đề chứ không phải cứ có tiền là đủ. Và nếu chưa thật tự tin với nhận định của mình thì tôi khuyên các nhà sưu tầm hãy tìm đến với các chuyên gia, trung tâm giám định.
- Tâm lý này cũng khiến người ta đặt ra câu hỏi: Nếu xã hội hóa một cách vội vàng sẽ có những trung tâm giám định ra đời chỉ để chiều lòng người đi giám định? Sẽ thế nào khi các đơn vị xã hội hóa đưa ra những kết luận khác nhau về cùng một tác phẩm? Lúc đó liệu có cần phải duy trì Trung tâm thuộc Cục như một “trọng tài” cao nhất?
- Đó là tư duy về mặt an toàn, công khai minh bạch của nhiều người nhưng thông lệ quốc tế thì không có nước nào công tác giám định tác phẩm mỹ thuật lại do cơ quan Nhà nước thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước không đi xử lý những vụ việc cụ thể mà phải xây dựng hành lang pháp lý hướng dẫn thực hiện công tác giám định tác phẩm mỹ thuật. Bởi vậy, Cục sẽ tiếp tục làm cho đến khi có đơn vị xã hội hóa thay thế. Còn khi đã xã hội hóa thì chúng ta phải vận hành theo cơ chế thị trường. Uy tín của từng giám định viên, của từng tổ chức sẽ quyết định sự tồn tại của tổ chức ấy bởi không ai lại bỏ tiền giám định ở một trung tâm không có uy tín hoặc tai tiếng...
- Cục sẽ có những giải pháp gì để từng bước kêu gọi, động viên các đơn vị tham gia vào hoạt động này?
- Chúng tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân tha thiết với sự phát triển thị trường mỹ thuật hãy nhiệt tình, mạnh dạn thành lập các trung tâm giám định để Cục sớm rút ra khỏi hoạt động này theo thông lệ quốc tế. Cục sẽ khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật làm hành lang pháp lý để làm tiền đề cho các đơn vị xã hội hóa sau này hoạt động. Cục xác định đây là trách nhiệm của mình trong thời gian tới. Và một trong những việc phải triển khai ngay, triển khai gấp là xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, hồ sơ cho tác giả, tác phẩm.
Trước mắt chúng tôi sẽ thực hiện ngay với các tác giả trong nước, ưu tiên các tác giả đã mất, các tác giả của Trường Mỹ thuật Đông Dương, các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước..., tức là với các tác giả đã sớm định vị trong đời sống mỹ thuật thì cần nhanh chóng có bộ hồ sơ về họ, giúp cho việc giám định thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền, động viên các nghệ sĩ đang hoạt động tự hoàn thiện hồ sơ nghệ thuật như một cách giúp họ tự bảo vệ sáng tạo của mình.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Tôi cho rằng công tác giám định mỹ thuật là rất quan trọng và tốt nhất là thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Nhưng hiện nay đến cơ quan nhà nước có đủ mọi điều kiện, thành lập hội đồng toàn giáo sư người ta còn chưa tin lắm, do vậy một tổ chức tư nhân đứng ra làm thì bước đầu sẽ khó khăn. Khi chưa có ai làm thì nhà nước phải làm, còn khi thị trường đủ khỏe thì sẽ có người đứng ra gánh vác, sẽ có tổ chức, cá nhân đủ lòng tin với người đi giám định.
Nhà lý luận phê bình mỹ thuật Nguyễn Thành:
Tôi nghĩ thẩm định phải là một nghề thực thụ. Để làm tốt công việc thẩm định chỉ có một con đường: Áp dụng công nghệ và nâng cao trình độ của người thẩm định. Người làm thẩm định không phải chỉ là người sáng tác giỏi mà còn phải là một người thường xuyên theo dõi thị trường, hiểu biết nhịp sống của mỹ thuật và nhiếp ảnh, phải là người nghiên cứu chuyên sâu am tường kỹ thuật của nhiều trường phái, cập nhật thông tin, công nghệ đồng thời là người gắn bó gần gũi với giới sáng tác, hiểu được sự ra đời của tác phẩm, cùng chia sẻ gắn bó với những người sáng tác. Điều này sẽ giúp cho công tác thẩm định thuận lợi hơn và dần dần lấy được niềm tin, trở thành chỗ dựa tin cậy của người giám định mỗi khi họ cần đến.
Nhật Nam (ghi)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.