Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã Cần Kiệm (Thạch Thất): Những sai phạm cần được làm rõ

TUANPHONG| 03/11/2009 07:24

(HNM) -

(HNM) - "Lãnh đạo xã và thôn câu kết với nhau làm giả hợp đồng để tham ô của Nhà nước hàng chục triệu đồng tiền hỗ trợ đợt mưa lũ năm 2008; xã giao các chủ thầu khai thác, hạ cốt đất từ 1,5-2m, nhưng thực tế đất bị khoét sâu tới gần 10m, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp...". Đó là nội dung đơn của người dân thôn Phú Đa 2, xã Cần Kiệm (Thạch Thất) gửi báo Hànộimới.

"Phù phép" gò thành hồ thả cá, bòn rút tiền Nhà nước

Khu vực Gò Tròn của thôn Phú Đa 2, xã Cần Kiệm có gò đất cao hơn so với bề mặt ruộng xung quanh. Để hạ thấp độ cao, cải tạo đất, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, ngày 12-1-2002, UBND xã Cần Kiệm đã ký hợp đồng giao thầu khai thác sản xuất vật liệu xây dựng tại khu Gò Tròn cho ông Nguyễn Viết Ổn (đại diện Công ty TNHH Tiến Hùng). Công ty TNHH Tiến Hùng được khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng trên diện tích 2 mẫu 8 sào, với độ sâu khai thác là 2m, cao trình làm mốc độ sâu là mặt bằng của làn ruộng giáp sông Tích và thời gian thực hiện hợp đồng là 5 năm (2002-2007). Ngoài ra, công ty còn được thuê 1 mẫu 6 sào làm mặt bằng xây vỏ lò, bãi chứa gạch, lán trại, bãi than...

Thế nhưng, chỉ sau 3 năm khai thác, đất ở khu Gò Tròn đã bị khoét sâu tới 5-6m. Điều khó hiểu là việc làm sai của công ty không bị UBND xã Cần Kiệm xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, mà xã còn điều chỉnh hợp đồng từ khai thác đất sản xuất vật liệu xây dựng thành "quy hoạch đào ao thả cá, khu vực sinh thái" theo hợp đồng không số ngày 13-8-2005(!?). Kể từ đó, công ty thoải mái khai thác đất ở Gò Tròn và biến Gò Tròn thành một hồ nước lớn. Đến tháng 8-2008, ông Nguyễn Viết Ổn đã ký giấy chuyển giao hợp đồng cho ông Lê Văn Thắng (ở xóm Trại, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm) để thực hiện mô hình sản xuất "chăn nuôi gia súc gia cầm, thả cá, kết hợp trồng cây ăn quả".

Trên thực tế, khu vực Gò Tròn bị bỏ hoang đã hơn 1 năm nay. Một số người dân xóm Trại vẫn thường xuyên vào hồ để thả lưới, bắt cá (ảnh). Vậy mà không hiểu sao trong đợt mưa lũ lịch sử đầu tháng 11-2008, hồ nước Gò Tròn, có diện tích 21.200m2 lại được trưởng thôn, lãnh đạo UBND xã Cần Kiệm "phù phép" thành hồ thả cá và đã xét duyệt chi hỗ trợ 31.800.000 đồng, trong khi đó các hộ dân bị ngập lụt thực sự thì lại không được hỗ trợ? Việc chi hỗ trợ không đúng đối tượng đã bị các hộ dân phát giác và UBND huyện Thạch Thất đã yêu cầu xã Cần Kiệm thu hồi toàn bộ số tiền, nhưng trách nhiệm của những tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót thì vẫn chưa bị xử lý. Ông Trần Đức Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: Huyện đã yêu cầu xã Cần Kiệm kiểm điểm sâu sắc những tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện việc xét duyệt chi hỗ trợ sai quy định.

Hạ cốt đất... khoét cả chân đê

Trên địa bàn thôn Phú Đa 2 có 2 mẫu 4 sào ruộng ở khu vực đỉnh Xe, nằm ngoài đê bao sông Tích. Thực hiện chủ trương hạ cốt đất xuống 1,4m để thuận tiện cho việc canh tác, năm 1999, UBND xã Cần Kiệm đã giao thầu khu đất đỉnh Xe cho ông Kiều Văn Đông, ở xóm Trại, thôn Phú Đa 2 để lấy đất sản xuất vật liệu xây dựng. Năm 2004 kết thúc hợp đồng, khu đất ở đỉnh Xe đã được hạ cốt, nhưng UBND xã Cần Kiệm không giao cho tập thể hay cá nhân nào canh tác, mà tiếp tục giao cho ông Nguyễn Văn Báo, ở tỉnh Hưng Yên thầu sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện tại, hơn 2 mẫu đất ruộng cấy lúa ở đỉnh Xe đã bị hạ cốt tới gần 10m, nhiều chỗ còn sâu hơn cả đáy sông Tích, trở thành những hố nước mênh mông. Không những thế, ông Báo còn xây dựng lò đốt, phơi gạch tại chân đê, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê điều của sông Tích, làm lúa, hoa màu của bà con xóm Trại bị hư hại nặng nề, môi trường bị ô nhiễm...

Ông Kiều Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm lý giải: "Chúng tôi không biết thôn lại cho lấy đất như vậy, vì địa bàn đó ở xa trung tâm, một phần cũng do lãnh đạo xã lơ là, tin vào cán bộ cơ sở. Nếu việc khai thác đất gây nguy hại đến đê, xã sẽ yêu cầu chủ thầu phải bồi hoàn trả lại đất...". Sự lý giải của lãnh đạo UBND xã Cần Kiệm xem ra còn thiếu thuyết phục. Đề nghị UBND huyện Thạch Thất sớm vào cuộc, kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân sai phạm, nhằm giải tỏa những bức xúc của người dân, ổn định tình hình ở địa phương.

Nguyên Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Cần Kiệm (Thạch Thất): Những sai phạm cần được làm rõ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.