Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất: Dân điêu đứng vì tin “cò vốn”

Nhóm PV Bạn đọc| 06/10/2012 07:28

(HNM) - Dù chỉ được vay có vài chục triệu đồng, nhưng hàng chục hộ dân ở xã Cần Kiệm (Thạch Thất) đang bị phát mại tài sản và nguy cơ không có chỗ ở đang hiện hữu...

Cả tin... "gửi trứng cho ác"

Cuối năm 2007, đầu năm 2008, nhiều hộ dân ở xã Cần Kiệm (Thạch Thất) có nhu cầu vay vốn phát triển chăn nuôi, mở rộng xưởng mộc... Tin lời của một thanh niên cùng làng, nhiều người dân đã ký vào nhiều giấy tờ, trong đó có cả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác. Và hậu quả, hàng chục gia đình chỉ được vay vài chục triệu đồng, có hộ còn chưa được nhận đồng nào, nhưng có nguy cơ bị mất toàn bộ nhà cửa, đất đai trị giá hàng tỷ đồng.

Ngôi nhà của ông Tạ Văn Thông đã có thông báo phát mại.

Anh Chu Văn Chung, ở xóm Liên Kết, thôn Yên Lạc trần tình: "Tháng 10-2007, gia đình tôi muốn mở rộng xưởng mộc, cần một khoản tiền khoảng 30 triệu đồng. Đúng lúc đó, anh Nguyễn Văn Hiệp (người cùng làng) gặp và nói rằng sẽ giúp vay được vốn nhanh, lãi suất cũng chỉ thấp như vay ngân hàng, nên tôi đồng ý ngay. Điều kiện để được vay tiền là thế chấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp điện máy Thanh An (Công ty Thanh An), ở số 109 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Sau khi đưa sổ đỏ, đại diện công ty đã gọi tôi ra trụ sở ký giấy cam kết, hợp đồng vay 30 triệu đồng, thời hạn 48 tháng, lãi suất 1,1%/tháng, song thực chất chỉ được nhận 27 triệu đồng, vì họ trừ luôn tiền lãi của quý đầu tiên. Nộp được 4-5 lần tiền lãi, mỗi lần gần 1 triệu đồng (nộp theo quý), gia đình tôi lo đủ tiền, đem ra công ty trả, thì tất cả những người làm việc tại đó đã "bặt vô âm tín". Đến hỏi anh Hiệp, thì anh ta bảo sổ đỏ công ty cầm, hiện họ ở đâu cũng không biết... Gia đình ông Chu Văn Tảo (cùng xóm Liên Kết) cũng do Nguyễn Văn Hiệp "giúp đỡ" vay được của Công ty Thanh An 50 triệu đồng có thế chấp sổ đỏ. Khi nghe thông tin căn nhà của gia đình đã bị phát mại do Công ty Thanh An không trả được nợ gốc và lãi đúng hạn cho Ngân hàng Công thương Việt Nam, tôi mới tá hỏa vì trong số giấy tờ tôi đã ký có giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Thanh An. Các anh thấy đấy, căn nhà và thửa đất gần 600m2, làm sao có chuyện tôi lại ký giấy chuyển nhượng để lấy có 50 triệu đồng? - ông Tảo bức xúc. Cùng chung hoàn cảnh, ông Tạ Văn Thông (xóm Núi Chè, thôn Phú Đa) than thở: "Đầu năm 2008, gia đình tôi dự định mua xe ô tô tải để làm dịch vụ vận chuyển, nên muốn vay ngân hàng khoảng 300 triệu đồng. Khi đó được anh Kiều Văn Chiến (người cùng xã) giới thiệu và cho gặp Giám đốc Công ty Thanh An, nhưng họ chỉ cho vay hơn 80 triệu đồng. Ngay sau đó, anh Chiến đã làm thủ tục vay tiền cho gia đình tôi, ngờ đâu giờ đây bị lừa mất ngôi nhà và thửa đất rộng 360m2, trị giá tiền tỷ...".

Bằng thủ đoạn "khế ước vay vốn" dễ dàng, lãi suất ưu đãi, Công ty Thanh An đã thu gom và sang tên, đổi chủ được gần 30 sổ đỏ của người dân xã Cần Kiệm, rồi đem thế chấp vay ngân hàng với số tiền gấp cả chục lần số tiền cho các hộ vay. Khi ngân hàng thu hồi vốn, không thấy doanh nghiệp này đâu, nên đã khởi kiện ra tòa án... Hiện tại có 15 sổ đỏ mà Công ty Thanh An thế chấp vay của Ngân hàng Công thương Việt Nam đã có thông báo thi hành án của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đến từng hộ và còn hơn 10 sổ đỏ nữa đang nằm trong một số ngân hàng khác.

Về phía chính quyền địa phương, ông Kiều Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm khẳng định: "Khi Cục Thi hành án dân sự Hà Nội có thông báo thi hành án về địa phương thì chính quyền mới biết sự việc!" (?)

Có hay không sự tiếp tay của cơ quan chức năng?

Việc mấy chục hộ dân xã Cần Kiệm thiếu hiểu biết, cả tin... nên bị lừa là điều rõ như ban ngày. Tuy nhiên, theo xác minh thì sau khi có được các chữ ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người dân, Công ty Thanh An làm thủ tục sang tên từ chủ sử dụng đất là người dân sang tên công ty, rồi làm tài sản thế chấp để vay tiền ngân hàng. Tất cả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều được UBND xã Cần Kiệm chứng thực, có xác nhận của Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thạch Thất là ông Vũ Đức Bảo. Theo quy định của pháp luật, trong các hồ sơ chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hồ sơ làm thủ tục sang tên, đổi chủ bắt buộc phải có chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của các bên liên quan (có chứng thực). Thế nhưng, trong tất cả các hồ sơ lưu tại UBND xã Cần Kiệm, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thạch Thất đều không có bản sao các giấy tờ này. Hơn nữa, về nguyên tắc trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, phải có chữ ký của tất cả thành viên trong gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên và đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cá nhân, phải có đủ chữ ký của cả vợ và chồng, nhưng trong hầu hết các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ có một người đại diện ký... Nếu UBND xã Cần Kiệm, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thạch Thất thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật nêu trên, thì hàng chục hộ dân có thể đã không rơi vào hoàn cảnh như hiện nay.

Rất mong cấp thẩm quyền và cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất: Dân điêu đứng vì tin “cò vốn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.