Theo dõi Báo Hànộimới trên

World Cup 2022: Những bóng hình nghệ sĩ vẫn nhiều hơn

Kim Anh| 07/12/2022 17:59

(HNMO) - Giải đấu trên đất Qatar ghi nhận sự thắng thế của bóng đá thực dụng, khi hầu hết các đội tuyển chơi phòng ngự phản công. Nhưng thật may mắn, trong 8 cái tên còn lại, những bóng hình nghệ sĩ vẫn nhiều hơn…

Hà Lan (cam) là đại diện cho thứ bóng đá pha trộn giữa toan tính và bay bổng. Ảnh: Getty

Bóng đá châu Á - mạnh mẽ và mềm yếu

World Cup 2022 tưởng như đã chứng kiến một bước nhảy vọt của bóng đá châu Á, khi Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia đồng loạt giành vé vào vòng 16 đội. Trong chiến quả đó, Nhật Bản gây ấn tượng mạnh nhất khi thắng cả Đức và Tây Ban Nha, đứng đầu bảng tử thần; Hàn Quốc vượt qua Bồ Đào Nha vào giờ chót; Australia cũng thắng Đan Mạch trong trận quyết tử bằng lối đá đầy trí tuệ.

Ngoại trừ Qatar là đội duy nhất thua cả 3 trận, 2 đại diện khác là Iran và Saudi Arabia đều được an ủi bằng những trận thắng tưng bừng. Với Iran, đó là những phút cuối bùng nổ trước Xứ Wales; còn Saudi Arabia, lịch sử sẽ mãi không quên cú lội ngược dòng thần thoại trước đội bóng của Messi - Argentina.

Nhưng rồi thì châu Á vẫn là châu Á, vẫn thua thiệt ở những trận “nốc ao” được quyết định bằng đẳng cấp. Nhật Bản có thể chơi như võ sĩ đạo với Croatia trong cả hiệp chính lẫn hiệp phụ, nhưng đến loạt sút luân lưu cân não, họ run rẩy giống hệt như một tay đấm mới lên sàn. Hàn Quốc khóc như mưa khi lách qua khe cửa hẹp vòng bảng, để rồi lại gượng cười trong thế “thần phục” Brazil. Australia cũng đành vui vẻ với thất bại để đổi lấy những khoảnh khắc “selfie” cùng Messi, đối thủ nhưng cũng là thần tượng.

Dù liên tiếp có những trận đấu thăng hoa, có sự nâng cấp đáng kể về thể lực, tư duy chơi bóng, cải thiện rõ rệt hiệu quả ghi bàn, kiểm soát bóng, các đội bóng châu Á vẫn cần thêm nhiều thời gian và tích lũy để chơi được sòng phẳng hơn với những ông lớn tầm thế giới.

Và cuộc viễn du của những đôi chân nghệ sĩ

Những đội bóng có lối chơi hấp dẫn nhất đều đã vào tứ kết, đó là sự viên mãn cho World Cup 2022. Vòng đấu bảng chứng kiến bóng đá thực dụng lên ngôi, khi những gương mặt rắn chắc và thô ráp như Mỹ, Ba Lan, Croatia, Australia, Thụy Sĩ… đều đi tiếp, nhưng đến ngưỡng cửa bán kết, ưu thế đang ngả dần sang bóng đá cống hiến.

Messi trong những giây phút khó khăn nhất vẫn là người tạo nên nhiều cảm xúc cho người hâm mộ. Ảnh: Getty

Argentina và Hà Lan là đại diện cho thứ bóng đá pha trộn giữa toan tính và bay bổng. Họ toan tính trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Nhưng khi đã có “lưng vốn” hoặc thoát khỏi áp lực đè nặng, rất nhanh chóng, những phẩm chất kỹ thuật trỗi dậy như một bản năng.

Messi trong những giây phút khó khăn nhất vẫn là một con người đầy cảm xúc. Anh đá hỏng 11m khi cả đội cần phải thắng Ba Lan. Nhưng cũng là anh, bất thần vẽ một đường cong vào lưới Australia, thêm một lần cứu rỗi Albiceleste. Với Messi, dường như không có thứ “áp suất” nào đè nặng, chỉ là đôi chân anh có thánh thót hay không…

Hà Lan luôn có hai bộ mặt khiến đối thủ nào cũng phải kiêng dè. Lúc họ nhún nhường là lúc họ nguy hiểm nhất. Nhìn Hà Lan vận hành lối chơi có vẻ cứng nhắc của Van Gaal nhưng thực ra họ là đội chuyển đổi trạng thái nhanh và mềm mại hơn hết thảy.

Anh và Pháp, tiếc thay, lại gặp nhau hơi sớm. Đó là hai đội bóng mà khán giả nào cũng muốn nhìn thấy họ vào bán kết. Giờ thì chỉ có một vé mà thôi.

Nói về Pháp lúc này, đơn giản là Mbappe và đồng đội. Mbappe đã vụt sáng như một siêu sao trên bầu trời Qatar, ghi 5 bàn, kiến tạo 3, và chưa kể còn di chuyển như một thỏi nam châm để kéo giãn mọi đội hình phòng thủ. Sự thăng hoa ấy khiến Giroud cũng như trẻ lại, Dembele đột nhiên tinh tế, và những cầu thủ còn ít kinh nghiệm như Kounde, Tchouameni ở phía sau cũng dễ chơi hơn hẳn.

Mbappe đã vụt sáng như một siêu sao trên bầu trời Qatar. Ảnh: Getty

Tuyển Anh lại là sức mạnh tập thể với tua tủa các mũi tấn công. Ngay cả khi vắng Sterling, Anh vẫn còn quá nhiều chân sút như Kane, Saka, Rashford, Foden, Mount, Grealish… Cái khó nhất của HLV Southgate chỉ là chọn ai, bỏ ai giữa một rừng gươm.

Brazil có lẽ không cần ca ngợi nữa. Trong lúc World Cup trĩu nặng về chiến thuật thì Brazil vẫn cho chúng ta những pha tung móc của Richarlison, pha úp vô lê như cầu mây của Casemiro… Đấy là vẻ đẹp của những người chơi bóng bằng thứ kỹ năng thiên phú. 

Và sẽ thật thiếu sót nếu không “điểm danh” Bồ Đào Nha, đội thắng tưng bừng nhất vòng 16 đội. Thụy Sĩ là đối thủ khó chịu ngay cả với Brazil, nhưng bằng một cách nào đó (phải chăng là để Ronaldo ngồi dự bị), đám học trò của ông Fernando Santos đã lột xác hoàn toàn so với sự chật vật từ vòng bảng.

Ở tứ kết, Bồ Đào Nha sẽ thử sức với hiện tượng Morocco, đội chơi phòng ngự triệt để nhất nhưng cũng mềm mại nhất. Morocco nhường toàn bộ quyền kiểm soát bóng cho Tây Ban Nha, thứ duy nhất họ giành chỉ là chiến thắng. Nhìn toàn cục, ngoài loạt sút 11m với ưu thế quá rõ ràng, Morocco hơn hẳn Tây Ban Nha cả về sự hợp lý và hàm lượng kỹ thuật trong suốt thời gian đá chính và hiệp phụ.

Đừng nhìn vào tỷ lệ cầm bóng 23% của Morocco mà đánh giá họ là chơi tiêu cực. Họ cũng là nghệ sĩ, có điều, họ chọn lối đá phòng ngự mà thôi.

Bốn cặp đấu vòng từ kết. Đồ họa: T.P
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
World Cup 2022: Những bóng hình nghệ sĩ vẫn nhiều hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.