(HNM) - Đóng góp ý kiến tại Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo (HNB) Việt Nam, các đại biểu đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm trước những vấn đề đang đặt ra.
Mỗi ý kiến một góc độ khác nhau, nhưng điểm chung là tất cả đều mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng và Báo chí cách mạng Việt Nam nói chung sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, giải quyết hiệu quả những hạn chế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà báo Hà Minh Đích, Chủ tịch HNB tỉnh Quảng Ngãi:
Chăm lo bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo
Lâu nay, mỗi khi đề cập đến nhiệm vụ bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ báo chí, nhiều người nghĩ đây là công việc của Hội Nhà báo. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Theo chúng tôi, ở địa phương, báo chí là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân. Vì vậy, để báo chí làm tốt hơn công tác tuyên truyền, việc bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ báo chí phải được coi là một nhiệm vụ. Nhiệm vụ này tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm cùng tham gia chăm lo chứ không chỉ đơn thuần là công việc của Hội Nhà báo. Có máy móc, thiết bị, công nghệ làm báo hiện đại mà trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ người làm báo không đáp ứng kịp yêu cầu thì làm sao nâng cao được chất lượng hoạt động?
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó ban Nghiệp vụ HNB Việt Nam:
Báo chí sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt
Chắc chắn một điều vào khoảng hơn 30 năm trước đây, khi chúng tôi vừa tốt nghiệp khoa Báo chí, cả thầy trò và cả những nhà lãnh đạo quản lý báo chí lúc ấy đều chưa mấy ai hình dung báo chí lại có lúc đa dạng, phức tạp và có khuynh hướng dễ dãi như bây giờ. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng, những khó khăn và hạn chế của một giai đoạn kinh tế - xã hội sẽ trôi qua; sự phát triển đa dạng và quá nhanh, quá phức tạp của thế giới mạng rồi sẽ trôi qua, với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp quản lý, sự nghiêm cẩn của các lãnh đạo báo, đội ngũ những người làm báo chân chính sẽ vẫn tiếp tục vượt qua những khó khăn trước mắt, tiếp tục đi đúng tôn chỉ mục đích của báo chí, tự thân hoàn thiện và hòa nhập, đổi mới hơn và hiện đại hơn, đem lại những tác phẩm báo chí thiết thực, hữu ích và giàu tính đấu tranh, giàu tính nhân văn để phục vụ bạn đọc chứ đừng để bạn đọc quay lưng lại với báo chí nước nhà.
Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Chủ tịch Liên chi HNB Bộ Công an, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân:
Phát huy mặt tích cực, khắc phục hạn chế của mạng xã hội
Ngày nay, không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội (MXH) và sự tác động của nó đến công tác tuyên truyền của báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Để phát huy những thế mạnh, tác dụng tích cực của MXH đối với hoạt động báo chí, khắc phục những hạn chế tiêu cực, tôi cho rằng, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với internet, MXH và báo chí, đặc biệt là báo điện tử, trang tin điện tử. Nhà nước cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, có chế tài quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực này. Các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị cho người dân, đặc biệt là lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý báo chí, đội ngũ phóng viên ý thức chấp hành pháp luật. Đồng thời, cần xây dựng chế tài và có những ký kết ràng buộc trách nhiệm, yêu cầu các trang MXH nước ngoài như Facebook, Youtube… phải nghiêm chỉnh tuân thủ và chấp hành pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch HNB tỉnh Quảng Ninh, Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh:
Giải Báo chí quốc gia phải là động lực đổi mới báo chí
Phải khẳng định Giải Báo chí quốc gia đã có chất lượng ngày càng cao, xứng tầm với báo chí khu vực và sự phát triển của đất nước, được tổ chức chặt chẽ, khoa học, nghiêm túc. Tuy nhiên, với những người trong cuộc, chúng ta vẫn mong muốn chất lượng của giải ngày càng cao hơn, hoàn thiện hơn. Tôi cho rằng, Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp hội phải xác định Giải Báo chí quốc gia là động lực để đổi mới hoạt động của các cấp hội, các cơ quan báo chí và là động lực để các nhà báo sáng tạo chứ không đơn giản chỉ là mục đích của các cấp hội, các cơ quan báo chí, của hội viên.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Khoa Báo chí - Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Tạo lập nền tảng lý luận vững chắc cho báo chí Việt Nam
Các nghiên cứu về báo chí - truyền thông (BC-TT) ở Việt Nam hiện còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Nhiều nội dung cần nghiên cứu về mô hình phát triển của ngành công nghiệp BC-TT, về chức năng, nhiệm vụ, về quản lý báo chí, về cơ chế và hiệu quả tác động đến dư luận xã hội, về kinh tế BC-TT, về xu hướng phát triển của BC-TT hiện đại… chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo nên định hướng cho sự phát triển của ngành công nghiệp truyền thông và cũng chưa đóng góp hiệu quả cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này. Bởi vậy, đẩy mạnh nghiên cứu BC-TT với tư cách là một ngành khoa học, có nền tảng lý luận, có đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu đặc thù là yếu tố quan trọng, là động lực nâng cao chất lượng đào tạo về BC-TT một cách bài bản và chuyên nghiệp. Đồng thời, quan trọng hơn là tạo lập nền tảng lý luận vững chắc, tạo tiền đề, định hướng cho sự phát triển đúng đắn của nền báo chí cách mạng và chuyên nghiệp ở nước ta hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.