Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vượt qua mất mát

Nhóm phóng viên Hànộimới| 10/07/2014 06:14

(HNM) - Hôm qua (9-7) là ngày thứ ba kể từ khi chiếc trực thăng Mi - 171 gặp nạn tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất trong khi đang bay huấn luyện nhảy dù. Vụ tai nạn đã làm 18 trong tổng số 21 quân nhân trên máy bay hy sinh.


Giành giật sự sống mong manh

Chiều 9-7, Đại tá Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Viện Bỏng quốc gia đã cố gắng dành cho chúng tôi vài phút hiếm hoi để thông báo về tình trạng sức khỏe của 3 quân nhân bị thương nặng. Trong 5 quân nhân được đưa về VBQG, sau ngày điều trị thứ nhất, đã có 2 quân nhân hy sinh. "Hiện tại còn lại 3 quân nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch", Đại tá Lượng cho biết. Cả 3 quân nhân đều bị bỏng nặng và sâu từ 30% đến 90% diện tích cơ thể, đều bị bỏng đường hô hấp và bị đa chấn thương. Đáng lo nhất là cả 3 quân nhân đều bị hội chứng sóng nổ gây dập phổi và dập các cơ quan nội tạng. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm các quân nhân đang điều trị tại Viện bỏng quốc gia. Ảnh: Bá Hoạt/Hànộimới


Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Cục Quân y, bệnh viện đã tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực, thuốc men và trang thiết bị y tế để điều trị và cứu chữa 3 quân nhân. Lúc 9 giờ sáng cùng ngày, VBQG đã tổ chức hội chẩn liên viện với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của các bệnh viện lớn ở Hà Nội và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất có thể. Đầu giờ chiều 3 thương binh đang được lọc máu liên tục bằng 3 máy lọc máu được đưa về từ Bệnh viện Bạch Mai, Viện 108 và Bệnh viện Việt - Đức để thải độc và chống tình trạng nhiễm độc và suy thận do hoại tử gây ra. Hiện tại, cả 3 thương binh đang được thở máy. "Dù các chỉ số đang ở trong giới hạn cho phép nhưng tiên lượng vẫn xấu", Đại tá Nguyễn Viết Lượng cho biết. Cho dù rất nhiều người đến thăm hỏi, hỗ trợ muốn vào gặp các anh nhưng đều phải nén lòng ở bên ngoài khu điều trị bởi vì các thương binh đang được điều trị trong phòng cách ly vô trùng.

Nỗi đau cho người ở lại

Lên Hà Nội ngay sau khi nghe tin con trai là quân nhân Nguyễn Văn Bình gặp nạn, ông Nguyễn Văn Viện (56 tuổi) và bà Trần Thị Yến quê ở xã Hải Nam, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) đã ngất lên ngất xuống. Anh Nguyễn Văn Thành, con trai của ông Viện và là anh của Nguyễn Văn Bình, kể: "Cả bố và mẹ em đều mang trong người bệnh nặng, không còn khả năng lao động chân tay. Bố bị huyết áp cao và đã bị tai biến mạch máu não, mẹ cũng bị căn bệnh thấp khớp và tim mạch hành hạ quanh năm suốt tháng. Em Bình bị tai nạn là một cú sốc lớn, vượt quá sức chịu đựng với bố mẹ và cả gia đình". Nghẹn ngào kể về người con trai yêu quý đã ra đi vĩnh viễn, ông Viện phải gắng sức nói: "Bình đi bộ đội từ năm 2010, là học viên đào tạo sĩ quan dù. Bình rất hiền lành và chăm chỉ. Trong công việc hay học tập, Bình rất kiên trì, có ý định là phải thực hiện bằng được. Mỗi khi được nghỉ phép về quê, Bình chỉ ở nhà giúp đỡ bố mẹ, anh chị việc nhà, việc đồng áng chứ không đi chơi đâu". Tiếp lời cha, anh Thành nói: "Nghe tin em Bình bị nạn, cộng với bệnh tật hành hạ, mấy ngày hôm nay bố mẹ em không ăn, uống được gì. Cả gia đình vừa đau buồn lại vừa rất lo lắng vì những chuyện đau buồn đột ngột như thế này dễ gây nguy hiểm cho người có tiền sử cao huyết áp như bố em". Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt ông Viện đã cạn khô luôn nhìn vô định. Còn bà Yến, cứ có người hỏi về cậu con trai là bà lại khóc nấc. Cả đại gia đình ông Viện đã có mặt đông đủ ở Hà Nội để gặp mặt lần cuối người con yêu thương.

Nỗi đau của những người cha người mẹ khi vĩnh viễn mất đi những người con yêu quý nhất không thể diễn tả thành lời. Ở tận xã Hoằng Khê, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), ông Nguyễn Văn Ngân và bà Trịnh Thị Minh cũng đã có mặt ở Hà Nội để nhận mặt người con lần cuối, quân nhân Nguyễn Văn Thịnh (sinh năm 1991). Gia cảnh ông Ngân không ít khó khăn, cả gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng. Mẹ của Thịnh, như theo lời ông Ngân nói thì "bà ấy sống với thuốc", đau ốm thường xuyên. "Từ hôm ra Hà Nội đến nay bà ấy phải nằm viện suốt", ông Ngân nói. Nhớ về người con trai của mình, ông Ngân cho biết, Thịnh là con út trong gia đình vốn hiền lành, chăm chỉ và năng động. Mọi công việc trong gia đình, hay ra ngoài xã hội, Thịnh giải quyết rất chu đáo và trách nhiệm. Còn trường hợp gia cảnh của Đại úy Nguyễn Đào Hồng Tâm, Trưởng bộ môn giáo viên dù hàng không, khiến bất kỳ ai nghe đều thương cảm. Vợ chồng anh vẫn phải ở nhà thuê, vợ là giáo viên, 2 con còn nhỏ, một bé 8 tuổi và một bé mới sinh năm 2013. Một người thân trong gia đình Đại úy Tâm nói: "Bố mất rồi, chỗ ở thì chưa có, mong muốn của gia đình là các cháu có một nơi để ở tạm".

Những tấm lòng

Trong số những chiến sĩ bị nạn hiện đang điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, gia cảnh của Trung úy Đinh Văn Dương cũng thật éo le. Dương sinh năm 1983, quê ở Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam, biên chế tại Tiểu đoàn 18 đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô. Hai vợ chồng chưa có nhà ở, hiện đang thuê trọ tại 145 đường Lĩnh Nam. Vợ anh đang công tác tại Khoa Nội tim mạch Bệnh viện 108. Chị Hải đang mang bầu con thứ hai dự sinh là ngày 19-7. Ngay khi biết tin Trung úy Đinh Văn Dương bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ, Bệnh viện 108 nơi chị Hải công tác đã cử Thiếu tướng, bác sĩ Lê Thu Hà, Phó Giám đốc cùng Phòng Chính trị Viện 108 tới gia đình thăm hỏi, trao quà, động viên. Vì quá lo lắng có thể bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng đến cháu bé sắp sinh nên Viện 108 đã động viên chị nhập viện chiều 8-7. Thông tin từ Viện 108 cho hay, sáng 9-7 lúc 9h40 chị Nguyễn Thị Hải được chỉ định mổ đẻ. Bác sĩ, Đại tá Nguyễn Thị Minh Yên, Chủ nhiệm Khoa Sản trực tiếp thực hiện. Bé trai nặng 2,8kg và mẹ hiện khỏe mạnh. Viện 108 chuẩn bị phát động phong trào toàn viện chung tay giúp đỡ gia đình Trung úy Đinh Văn Dương.

Ngay khi được tin, họ hàng dưới quê, trong đó có mẹ Dương, bà Trịnh Thị Đông cũng lật đật thuê xe lên VBQG. Nhìn thấy con được các giáo sư, bác sĩ chăm sóc tận tình, gia đình cũng phần nào yên tâm. Hiện gia đình cử cậu ruột Trịnh Văn Hảo và một người em ở lại Viện Bỏng để thay nhau trông Dương.

Tại VBQG, CCB Nguyễn Minh Ngoãn, bố của quân nhân Nguyễn Hoàng Anh đang cố nén nỗi lo lắng để cảm ơn những tấm lòng của đồng bào, chiến sĩ tới thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các thương binh. Vốn là lính thiết giáp Lữ đoàn 22, ông Ngoãn hiểu rõ sự hy sinh, mất mát của đời lính. Ông Ngoãn cảm động trước sự ân cần thăm hỏi, động viên, hỗ trợ của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước. Mong muốn lớn nhất của ông bây giờ là con trai ông có thể qua khỏi cơn nguy kịch. Ông Ngoãn bày tỏ với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Việt Nam rằng: "Vì gia cảnh của các chiến sĩ đa phần khó khăn, nhiều người vợ chưa có việc làm, mong Đảng, Nhà nước hỗ trợ công ăn việc làm góp phần giúp những người vợ chiến sĩ có thể vượt qua đau thương, mất mát tiếp tục nuôi con của các thương binh, liệt sĩ thành người".

Mong muốn chính đáng và cao đẹp của CCB Nguyễn Minh Ngoãn chắc chắn sẽ thành hiện thực bởi vì cả nước đang đồng lòng xoa dịu nỗi đau, sự mất mát của 21 gia đình quân nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt qua mất mát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.