(HNM) - Thông tin về những nét chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, ông Nghiêm Quang Huy, Ủy viên Hội đồng quản trị PVC cho biết, 2019 là một năm đầy thách thức trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của tổng công ty và các đơn vị thành viên, khi tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn do lỗ lũy kế từ giai đoạn trước để lại, hạn chế về nguồn việc làm cũng như nguồn lực tài chính, con người.
Bên cạnh đó, các dự án đang triển khai tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của dự án nói riêng và hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn tổng công ty nói chung. Năm 2019, hầu hết các đơn vị trực thuộc PVC đều không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra. Chỉ có PVC - Petroland có kết quả sản xuất kinh doanh lãi hơn 700 triệu đồng, các đơn vị còn lại đều thua lỗ đã ảnh hưởng xấu tới kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất toàn tổng công ty. Quá trình thoái vốn cũng gặp nhiều vướng mắc do phần lớn các đơn vị nằm trong kế hoạch thoái vốn của PVC đều thua lỗ. Từ đó, việc tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng có nhiều khó khăn hoặc các đối tác đưa ra mức giá nhận chuyển nhượng quá thấp.
“Trước khó khăn, người lao động trong toàn tổng công ty đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 thông qua. Năm 2019, PVC có tổng doanh thu hơn 2.094 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 125,9 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên là 10,15 triệu đồng/người/tháng. Tại dự án trọng điểm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tiến độ tổng thể của dự án đến thời điểm ngày 31-12-2019 đạt 84,47%. PVC đã đàm phán để thống nhất việc gia hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng thiết bị chính đến năm 2020 với điều kiện giảm tỷ lệ giữ lại từ 5% xuống 3% và giảm giá trị dịch vụ quản lý chạy thử CMS…”, ông Nghiêm Quang Huy thông tin.
Năm 2020, PVC tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn trong bối cảnh phải chịu tác động từ "khủng hoảng kép" do giá dầu giảm sâu và dịch Covid-19, việc tìm kiếm nguồn công việc cũng như các rủi ro tiềm ẩn tiếp tục bộc lộ đã ảnh hưởng lớn đến công tác xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trước tình hình này, PVC đã điều chỉnh kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông, trong đó một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như giá trị sản xuất kinh doanh đạt 1.300 tỷ đồng, tổng doanh thu 1.700 tỷ đồng, doanh thu công ty mẹ ước khoảng 600 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên là 10,75 triệu đồng/người/tháng.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Tổng Giám đốc PVC cho biết thêm, tổng công ty đã đề ra 5 nhóm giải pháp trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020. Cụ thể là các giải pháp về công tác tái cấu trúc, tiếp thị đấu thầu, tài chính kế toán, chỉ đạo điều hành thi công tại các dự án, công trình, và tổ chức quản lý nhân sự, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…
Đánh giá về những nỗ lực vượt khó của Ban lãnh đạo PVC và người lao động trong toàn tổng công ty, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc PVN nhấn mạnh, hiện nay không chỉ PVC mà cả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang rất khó khăn khi phải chịu tác động kép từ giá dầu giảm sâu cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. PVN và các đơn vị phải tập trung triển khai các gói giải pháp chung của tập đoàn và các gói giải pháp riêng cho từng lĩnh vực, từng khối đơn vị.
Ông Phạm Tiến Dũng mong muốn, Ban lãnh đạo, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát mới của PVC cũng như ban lãnh đạo các đơn vị thành viên của PVC sẽ phối hợp, đoàn kết để trở thành một khối chuyên nghiệp, năng động hơn, quyết liệt hơn, có sức chiến đấu trong lúc PVC đang đầy rẫy những khó khăn. Cùng với đó là tạo ra nhiều việc làm mới, đổi mới mình để bắt nhịp với những đòi hỏi của các dự án như điện gió, điện mặt trời, điện khí… Đặc biệt, ông Phạm Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần xây dựng của các cổ đông, tin tưởng vào đường hướng phát triển kinh doanh mới của PVC.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.