Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vướng vì quy định

An Trân| 24/12/2011 06:38

(HNM) - Vẫn còn sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế (KKT), khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) được áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc chưa làm nổi bật tính chất đặc thù nên chưa tạo động lực mạnh để phát triển các KKT - kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra những bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các KKT, KKTCK ở nước ta hiện nay.


Hiện nay Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14-3-2008 là văn bản pháp lý cao nhất, quy định thống nhất về thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, KKT (bao gồm cả KKTCK). Tuy nhiên sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị định 29 đã bộc lộ một số hạn chế và chưa thực sự phù hợp cho tất cả các KKT, KKTCK đã thành lập.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện cả nước có 18 KKT được quy hoạch và 28 KKTCK được thành lập tại 21/25 tỉnh. Việc đưa tất cả KKT, KCN, KKTCK vào đối tượng điều chỉnh như quy định tại Nghị định 29 đã khiến các địa phương gặp nhiều vướng mắc vì mỗi loại hình có mục đích, đặc điểm hoạt động riêng. Cũng theo nghị định này, mô hình tổ chức ban quản lý giữa các KKT và KKTCK là một song trong công tác điều hành, việc sáp nhập này chỉ mang tính hình thức vì thực chất ngoài việc thành lập một đầu mối chung vẫn phải có các văn phòng đại diện trong từng khu để xử lý các công việc. Vì vậy, mặc dù đã có chủ trương mỗi tỉnh chỉ có một ban quản lý, nhưng đến nay, một số tỉnh vẫn tồn tại 2 ban quản lý.

Không chỉ có những phát sinh khi thực hiện mà Nghị định 29 còn chưa có sự thống nhất, thiếu nhất quán với các văn bản hướng dẫn luật thuộc các lĩnh vực chuyên ngành về xây dựng, thuế... Chẳng hạn Nghị định 29 quy định chính sách ưu đãi đầu tư áp dụng cho đối tượng là các dự án thuộc danh mục ưu đãi đầu tư và thực hiện trên địa bàn được ưu đãi đầu tư trong danh mục, kể cả dự án đầu tư mở rộng trên địa bàn khu công nghiệp, KKT. Tuy nhiên, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 thì đối tượng được hưởng ưu đãi không còn là dự án như cũ mà là doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư…

Nhận diện chính xác những bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật đối với các KKT, KKTCK, tại phiên họp thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã đề nghị tạm dừng việc thành lập mới các KKT, KKTCK để tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện mô hình hoạt động. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, trong đó có những cơ chế đặc thù về ưu đãi khuyến khích đầu tư, thương mại, xuất - nhập khẩu để phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, từng KKT và KKTCK. Rõ ràng đây là việc làm cần thiết nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng kinh tế ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, kết hợp phát triển kinh tế gắn với giữ vững quốc phòng, an ninh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vướng vì quy định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.