Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vướng từ nhận thức

Nguyễn Linh| 25/02/2012 07:05

(HNM) - Nghị định 94/2009/NĐ-CP ngày 26-10-2009 của Chính phủ về quản lý người nghiện sau cai nhắm tới mục tiêu phòng, chống tái nghiện, thay đổi hành vi, giúp đỡ người nghiện sau cai tham gia các hoạt động xã hội, tái hòa nhập cộng đồng. Sau một năm thực hiện nghị định này, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều người nghiện gặp khó khăn khi học nghề, tìm việc làm ổn định…

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tại nhiều xã, phường, thị trấn, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, việc phân công người tham gia giúp đỡ người sau cai nghiện mới chỉ ở mức hình thức. Sau một năm thực hiện Nghị định 94, mới có 632/971 người nghiện sau cai quản lý tại cộng đồng được xét nghiệm tìm chất ma túy định kỳ 2 test/quý. Do nhận thức chưa đúng đắn, nhiều người, kể cả cán bộ chính quyền, đoàn thể cho rằng, còn rất nhiều người đầy đủ bằng cấp, tốt nghiệp ĐH chưa tìm được việc làm, thì người nghiện không có việc làm là chuyện đương nhiên? Tại nhiều địa phương, rất ít người nghiện sau cai được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, tham gia hoạt động xã hội, tái hòa nhập cộng đồng. Chính quyền địa phương nhiều nơi không tổ chức họp kiểm điểm nhận xét quá trình phấn đấu, rèn luyện của người sau cai nghiện tại nơi cư trú định kỳ hằng tháng (theo quy định của Thông tư 33/2010/TT-BLĐTBXH). Nhiều người nghiện sau cai không hề biết đến mô hình CLB B93. Tại cộng đồng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, tổ chức kinh tế - xã hội vẫn còn phổ biến tình trạng kỳ thị người nghiện, khiến họ rất khó tìm việc làm để ổn định cuộc sống. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động, quản lý người nghiện sau cai tại cộng đồng còn nhiều hạn chế.

Để tháo gỡ khó khăn cho người nghiện sau cai, Nhà nước cần ban hành các chính sách, chế độ ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức kinh tế - xã hội tham gia tiếp nhận và tạo việc làm cho người sau cai nghiện; tăng cường các cơ chế tạo điều kiện giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định đời sống. Bên cạnh đó, TP cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các cấp ủy, chính quyền về tình trạng tái nghiện tại địa phương; tăng nguồn kinh phí hỗ trợ trong xây dựng các đội hoạt động xã hội tình nguyện để tạo nòng cốt trong công tác tuyên truyền, tư vấn, phối hợp với các lực lượng đẩy mạnh công tác quản lý người nghiện sau cai. Có như vậy, việc quản lý, hỗ trợ người nghiện sau cai mới thực sự hiệu quả, đúng tinh thần Nghị định 94/2009/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm từng bước giảm tỷ lệ tái nghiện, giảm bớt gánh nặng cho cộng đồng, xã hội.

Trong 971 người nghiện được quản lý sau cai tại cộng đồng, chỉ có 409 người được hỗ trợ tạo việc làm, 28 người được vay vốn, 4 người được dạy nghề. Điều đáng chú ý là, 409 người được tạo việc làm chủ yếu do gia đình họ tự sắp xếp. Công việc của họ không ổn định: May gia công (nếu gia đình có xưởng may), bán cà phê (cho cửa hàng của gia đình), kinh doanh dịch vụ internet, rửa xe máy tại nhà, thay thế phụ tùng xe máy tự do cạnh các cửa hàng bán phụ tùng xe. Thu nhập trung bình của người nghiện sau cai từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vướng từ nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.