Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vướng từ ”gốc” đến ”ngọn”

Quốc Bình| 18/03/2014 06:25

(HNM) - Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội mới đây, hầu hết đại diện các quận, huyện đều phàn nàn về thủ tục hành chính quá phức tạp khiến các dự án đầu tư chậm được triển khai.



Có trường hợp khi đủ điều kiện bố trí vốn thì thủ tục đầu tư chưa hoàn thành, đến khi hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư thì đã quá hạn bố trí vốn, dự án rơi vào tình trạng "lơ lửng" chưa thể thực hiện. Trong kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố phải tiếp tục tập trung đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính từ khâu quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thiết kế đến thẩm định, phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng, giao đất…

Đây không phải lần đầu tiên thủ tục hành chính được coi như "thủ phạm" cản trở công tác đầu tư. Cuối tháng 2 vừa qua, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố một bản báo cáo cho biết, 66,1% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi cho rằng, họ lo ngại rủi ro về thủ tục hành chính khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam.

Nguồn gốc của vấn đề dường như đang nằm ở những quy định pháp lý chung. Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Gia Túc, hiện nay để triển khai một dự án phải liên quan đến 5 luật, 10 nghị định, 9 thông tư và nhiều văn bản khác. Mặc dù nhiều quy định như vậy nhưng chúng ta lại chưa có quy trình cụ thể từ khâu chuẩn bị dự án đến triển khai dự án. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông, quy trình chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư phải trải qua 18 thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và con số này cũng không cố định, vì nhiều địa phương mở "một cửa" nhưng lại tạo ra nhiều "ngách".

Nguyên nhân "gốc rễ" rất quan trọng, nhưng không vì thế mà cán bộ, công chức - những người trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính đầu tư có quyền ỷ lại và làm cho nó phức tạp thêm. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dù thủ tục hành chính có chặt chẽ, phức tạp, nếu các cán bộ, công chức thực hiện đúng thì thời gian vẫn sẽ giảm đi rất nhiều. Một ví dụ khác, theo quy định, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp cho nhà đầu tư quy hoạch đất 1/500, nhưng thực tế nhiều nhà đầu tư phải chạy ngược, chạy xuôi để tìm kiếm… Tóm lại, "gốc" cũng cần chỉnh mà "ngọn" cũng cần sửa mới có thể giải tỏa được bức xúc về thủ tục đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vướng từ ”gốc” đến ”ngọn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.