Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vướng từ đầu vào đến đầu ra

Bài, ảnh: Minh Đức| 15/03/2012 06:51

(HNM) - Tròn 2 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Chính phủ (Đề án 1956), tại nhiều nơi ở Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn và lúng túng trong việc mở lớp dạy nghề, lo chất lượng và đầu ra cho người lao động…

Nhiều thanh niên nông thôn vẫn quẩn quanh với nghề truyền thống.

Xã Phụng Châu - một xã thuần nông của huyện Chương Mỹ hiện có 10.000 nhân khẩu, 1/3 số đó là lực lượng lao động trẻ nhưng việc mở lớp dạy nghề cũng chưa thu hút được nhiều người. Ông Phạm Quang Định, Phó Chủ tịch UBND xã trăn trở: Xã có nghề chế tác đá truyền thống ở hai thôn Long Châu Miễu và Long Châu Sơn. Nhưng do không có địa điểm tập kết vật liệu, mở xưởng chế tác nên dù có sẵn nghề nhưng xã chưa thể mở lớp. Ở một số xã khác tuy đã mở được lớp nhưng do trình độ tay nghề, nhận thức của nông dân còn hạn chế, sinh tâm lý chán nản khi học. Chưa kể, việc tiêu thụ sản phẩm sau học nghề khó khăn, giá cả không ổn định khiến nhiều lao động băn khoăn khi đăng ký học nghề. Thanh niên muốn làm giàu nhanh, họ chọn đi làm thợ xây, phụ hồ, buôn bán vì tiền công được 150.000 - 200.000 đồng/ngày, thu nhập từ nghề phụ chỉ được khoảng 30.000 - 40.000 đồng/ngày. Đội ngũ cán bộ làm công tác dạy nghề không đủ chuyên môn, trình độ nên việc mở thêm lớp bị bỏ ngỏ. Cả huyện đến nay chỉ mở 20 lớp cho 8.000 LĐ. Cũng lúng túng như Chương Mỹ, trong năm 2010, huyện Quốc Oai không mở được lớp dạy nghề nào. Từ đầu năm 2011 đến nay, huyện chỉ mở được 6 lớp cho 210 lao động.

Ngoài ra việc triển khai chương trình dạy nghề theo Đề án 1956 chậm vì vướng mắc trong cơ chế. Theo ông Đặng Viết Huệ, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Chương Mỹ, do chưa có kinh phí nên một số địa phương không quan tâm tới công tác dạy nghề cho thanh niên. Ở các xã chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác dạy nghề. Kinh phí hỗ trợ dạy nghề thấp, thủ tục rườm rà; việc thanh quyết toán kinh phí dạy nghề từ thành phố đến cơ sở thì… chậm như rùa. Lao động sau khi học nghề gặp khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất. Chị Nguyễn Thị Thắng, chủ cơ sở dệt len Thắng Hội (thôn Phương Bản, xã Phụng Châu, Chương Mỹ) cho biết, bình quân mỗi lao động dệt được 5 chiếc áo len/ngày, thu nhập khoảng 50.000 đồng/ ngày. Nếu có máy dệt, mang về nhà làm thêm, có thể tăng thu nhập 120.000 - 150.000 đồng/ngày, giá máy hiện khoảng 15 triệu đồng nên không phải ai cũng có vốn để đầu tư .

Theo kết quả điều tra thì tỷ lệ LĐNT của Hà Nội qua đào tạo được cấp chứng chỉ sơ cấp chưa được 16%. Nhiều huyện có tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo cao: Mỹ Đức (91,4%), Ứng Hòa (90,1%), Ba Vì (89,8%), Phú Xuyên (89,9%), Chương Mỹ (89,8%), Quốc Oai (89%)… Trong khi đó, mạng lưới cơ sở dạy nghề tại Hà Nội chủ yếu tập trung ở nội thành. Còn khu vực nông thôn cách xa trung tâm thành phố, số lượng cơ sở dạy nghề ít, quy mô dạy nghề còn nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của nông dân.

Đào tạo nghề cho LĐNT không chỉ là một chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn là một tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu LĐNT đang dần chuyển sang những lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp là chính, giảm dần giá trị sản xuất nông nghiệp. Do đó việc đào tạo nghề cho LĐNT đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội quan tâm mới đáp ứng được các yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo ông Đặng Viết Huệ, các địa phương cần tuyên truyền sâu rộng, tập trung dạy thanh niên những nghề gần gũi như trồng rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi thú y… Các nghề khó học và khó thu hút được lao động như cơ khí, điện… thì nên triển khai có lộ trình dần dần. Đồng thời, các bộ, ngành, cơ quan được giao trách nhiệm triển khai Đề án 1956 cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, thủ tục, kinh phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vướng từ đầu vào đến đầu ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.