Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vướng “sạn” ứng xử

An An| 12/12/2013 06:11

(HNM) - Dù đã

Trình diễn tại “Ngôi sao thiết kế Việt Nam”.



Nhìn vào thành tích của 11 thí sinh tham gia vòng chung kết, có thể nói hiếm chương trình nào có nhiều thí sinh "chất" như "Ngôi sao thiết kế Việt Nam". Đó là Phạm Đăng Anh Thư của nhãn hiệu thời trang cao cấp Joli Poli, 5 năm làm việc trong nghề và đạt nhiều giải thưởng về thời trang. Là Nguyễn Trường Duy cái tên không còn xa lạ với các "tín đồ" thời trang bởi anh chính là người xây dựng và đưa thương hiệu thời trang D.U.Y Boutique nổi tiếng khắp cả nước. Các thí sinh khác, như: Hà Nhật Tiến, Phạm Hữu Sang, Dũng Hà, Quảng Trọng Quang Nhật… cũng đều giành được giải thưởng lớn hoặc có thương hiệu thời trang riêng.

Tương tự như Fashion Star, ngoài yếu tố giải trí, "Ngôi sao thiết kế Việt Nam" đặc biệt đề cao tính ứng dụng. Đây chính là điểm nhấn tạo nên sự hấp dẫn, khác biệt của chương trình so với các cuộc thi thời trang từ trước đến nay. Ngay sau khi các mẫu thiết kế của thí sinh được 3 nhà đầu tư, là đại diện 3 thương hiệu thời trang uy tín, đấu giá thành công trên sân khấu, chúng có thể được tung ra thị trường, nên người xem có cơ hội mua được những bộ trang phục mà họ yêu thích. Hiện một số bộ sưu tập của các thí sinh đã được giới thiệu tại các cửa hiệu thời trang của thương hiệu Elise, Lynk, IVY moda… Bà Lưu Nga, Tổng Giám đốc thương hiệu thời trang Elise cho biết: "Bộ sưu tập "Rét đầu đông" của Hà Duy nhận được những phản hồi tích cực của khách hàng. Hàng trăm khách hàng mong muốn được sở hữu bộ sưu tập này từ thương hiệu của chúng tôi".

Như vậy, "Ngôi sao thiết kế Việt Nam" đã tạo ra một sân chơi thời trang hấp dẫn, chuyên nghiệp để các nhà thiết kế có cơ hội sáng tạo những bộ sưu tập mang tính ứng dụng cao, cập nhật các xu hướng thời trang mới nhất; đồng thời giúp cho các thương thiệu thời trang thu hút khách hàng mới.

Nhưng cũng như rất nhiều chương trình truyền hình thực tế khác, "Ngôi sao thiết kế Việt Nam" vẫn còn những "hạt sạn" mà khán giả dù dễ tính đến mấy cũng có thể "nhặt" ra. Xem từ liveshow đầu tiên (tối 19-10) đến liveshow thứ 8 (tối 7-12), khán giả đều có chung nhận xét 3 giám khảo là 3 nhà thiết kế "đình đám" Minh Hạnh, Công Trí và Francine Pairon (Pháp) dường như ít nhận xét về chuyên môn, và những màn đấu giá ít kịch tính của các nhà đầu tư khiến chương trình nhàn nhạt. Không những thế, sự xuất hiện của người mẫu không chuyên trong chương trình phần nào làm giảm tính chuyên nghiệp của sân khấu thời trang. Khó chịu hơn là "pha" cướp micro từ tay MC Nguyên Khang của thí sinh Đức Duy trong liveshow 8 khi biết mình bị loại. Dù đã được Nguyên Khang kịp thời chữa cháy rằng "Tôi biết bạn Duy xúc động và có nhiều điều muốn chia sẻ", nhưng sự bức xúc, thất vọng và có phần bất mãn trên gương mặt Đức Duy lúc ấy khiến khán giả thấy anh đáng ghét hơn là nhận được sự chia sẻ, cảm thông. Rồi chuyện Hà Nhật Tiến theo "mốt" viết tâm tư gửi mẹ khi thua cuộc gây phản cảm, dù trước đó nhiều người thấy tiếc khi anh bị loại. Sau liveshow 5 (tối 16-11) phát sóng, bộ sưu tập "Chất đường phố" của Tạ Ngọc Tuyền với chiếc áo thun ba lỗ do người mẫu Thanh Thức trình diễn bị cư dân mạng phát hiện giống hệt thiết kế của thương hiệu H&M. Tạ Ngọc Tuyền giải thích vì trước đó mẫu thiết kế của cô quá mỏng, giám khảo đề nghị cô thay thế, nhưng thời gian gấp quá nên cô "vô tình" chọn chiếc áo ba lỗ của H&M để thay thế cho phù hợp…

Chương trình "Ngôi sao thiết kế Việt Nam" sắp tìm ra ngôi sao thiết kế. Nhưng rõ ràng, thí sinh được đánh giá có chuyên môn ở cuộc thi này cũng chưa đủ sức tạo nên tính chuyên nghiệp cho một chương trình truyền hình thực tế khi cái gốc là văn hóa ứng xử vẫn chưa "chuyên nghiệp"…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vướng “sạn” ứng xử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.