Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vướng mắc trong cấp “sổ đỏ” ở Sơn Tây: Bao giờ được tháo gỡ?

Đức Hải| 31/08/2012 23:49

(HNMO)- Báo Hànộimới đã nhiều lần phản ánh về thực trạng tiến độ cấp “sổ đỏ” trên địa bàn thị xã Sơn Tây còn chậm vì nhiều vướng mắc. Nhưng cho đến nay, những vướng mắc đó vẫn chưa được tháo gỡ, do vậy người dân vẫn phải “dài cổ” chờ.

Khó đạt kế hoạch đề ra

Theo ông Chu Quang Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây (Hà Nội), UBND thị xã đã có kế hoạch giao chỉ tiêu cho 15 xã, phường trong năm 2012 phấn đấu cấp tổng số 2.550 “sổ đỏ” lần đầu. Trong đó, xã Cổ Đông được giao chỉ tiêu cấp 650 sổ; xã Sơn Đông 500 sổ; xã Đường Lâm và phường Xuân Khanh mỗi địa phương được giao chỉ tiêu cấp 170 sổ; địa phương được giao chỉ tiêu thấp nhất là phường Phú Thịnh với 50 sổ.

Được biết, UBND thành phố Hà Nội giao chỉ tiêu cho thị xã Sơn Tây cấp tổng số gần 2.310 “sổ đỏ” lần đầu trong năm 2012. Tuy nhiên, UBND thị xã Sơn Tây đã xây dựng kế hoạch cấp vượt chỉ tiêu thành phố giao hơn 240 sổ. Năm 2011, thị xã Sơn Tây xây dựng kế hoạch cấp tổng số gần 4.110 “sổ đỏ” lần đầu, nhưng thực tế tỷ lệ cấp lại đạt quá thấp.

Ông Dũng cho biết, đến nay, tiến độ cấp “sổ đỏ” lần đầu vẫn rất chậm, khó có thể đạt được kế hoạch đã đề ra của năm nay. Trên thực tế, ngay từ đầu năm để có thể đạt được kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây đã chủ động làm việc với UBND các xã, phường trên địa bàn nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, từ đó tìm biện pháp tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện. Nhưng những vướng mắc lại không thuộc thẩm quyền của UBND thị xã giải quyết mà cần có sự tháo gỡ từ phía các sở, ngành và UBND thành phố Hà Nội.

Cứ chờ đấy!

Mới đây, UBND thị xã Sơn Tây đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố đề nghị giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thị xã. Theo đó, vướng mắc lớn nhất là quá trình thực hiện Quyết định số 58/2009/QĐ-UBND ngày 30-3-2009 của UBND thành phố Hà Nội quy định về hạn mức giao đất ở mới, hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất có vườn ao trong khu dân cư; kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể, tại điều 2 khoản 1 điểm b quy định: hạn mức công nhận đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn ao trong khu dân cư được hình thành từ 18-12-1980 đến trước ngày 1-7-2004 đối với thành phố Hà Đông và thành phố Sơn Tây là 180m2. Tuy nhiên, trên thực tế, thị xã Sơn Tây có nhưng đặc thù riêng so với các quận, huyện khác của thành phố Hà Nội đó là có phường như các quận và có xã như các huyện, do đó khi công nhận hạn mức đất ở theo mức 180m2 áp dụng cho cả phường và xã là không phù hợp.

Về vấn đề này, UBND thị xã Sơn Tây đã có văn bản (ngày 9-3-2011) gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để sở này báo cáo UBND thành phố Hà Nội đề nghị điều chỉnh Quyết định 58/2009/QĐ-UBND với các nội dung: điều chỉnh điểm b khoản 1 điều 2 từ thành phố Sơn Tây là thị xã Sơn Tây; điều chỉnh hạn mức công nhận đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn ao trong khu dân cư được hình thành từ 18-12-1980 đến trước ngày 1-7-2004 ra làm 2 loại (đối với các phường là 180m2, đối với các xã là 300m2). Ngày 23-3-2011, Sở TN&MT Hà Nội đã có văn bản gửi UBND thị xã Sơn Tây yêu cầu vẫn thực hiện việc công nhận hạn mức đất ở theo Quyết định 58/2009/QĐ-UBND. Giữa tháng 2-2012, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT tham mưu, điều chỉnh theo đề nghị của UBND thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, cho đến nay, UBND thị xã Sơn Tây vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố vấn đề trên nên vân tiếp tục gặp khó khăn trong việc xét cấp GCNQSD đất cho nhân dân.

Nhiều gia đình ở thị xã Sơn Tây vẫn tiếp tục "dài cổ" chờ... "sổ đỏ"


Bên cạnh đó, còn một vấn đề vướng mắc nữa trong quá trình thực hiện xét cấp GCNQSD đất trên địa bàn thị xã Sơn Tây đó là việc xác định ranh giới giữa đất ở và các loại đất khác trên cùng thửa đất. Tại Kết luận số 71/KL-Ttra ngày 23-7-2007 của Thanh tra tỉnh Hà Tây về việc thanh tra công tác quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn thị xã Sơn Tây có yêu cầu: “Đối với 4.234 GCNQSD đất thửa đất có đất ở và đất vườn còn chưa đảm bảo các quy định (chưa xác định rõ vị trí đất ở, đất vườn), UBND thị xã phải xác định rõ vị trí đất ở, đất vườn và vẽ sơ đồ thửa đất để đảm bảo tính pháp lý của GCNQSD đất và định hướng cho các hộ dân có căn cứ để sử dụng đất đúng mục đích”. Tại Kết luận số 40 KL/UBKTTU ngày 3-6-2010 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội có nêu: “…đối với những thửa đất được cấp GCNQSD đất có diện tích lớn (trên 1.000m2) hầu hết được UBND thị xã SƠn Tây công nhận đất ở với diện tích nhỏ (150m2), còn lại diện tích lớn hơn là đất trồng cây lâu năm. Nhưng trong hồ sơ và trên GCNQSD đất đều không được xác định rõ vị trí đất ở, đất vườn trong thửa đất dân đến tình trạng là sau khi được cấp GCNQSD đất, người dân đã tùy tiện xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích hoặc tiến hành chia cắt nhỏ thửa đất (mỗi ô có một phần đất ở) để chuyển nhượng, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, thất thu ngân sách nhà nước”.

Để thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra nêu trên, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo Phòng TN&MT khi tham mưu cho UBND thị xã trong việc cấp GCNQSD đất ở (kể cả cấp lần đầu và cấp sau khi có biến động như chia tách để chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…) đều phải thể hiện rõ, vị trí đất ở và đất vườn tại sơ đồ thửa đất trên trang 3 của GCNQSD đất để làm tốt công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, thuận lợi cho công tác GPMB trên địa bàn. Thị ủy Sơn Tây đã có Thông báo kết luận số 129-TB/TU ngày 9-6-2011, trong đó chỉ đạo: “Đối với những thửa đất có cả đất ở và đất vườn (đất ao) yêu cầu Phòng TN&MT thể hiện đúng hiện trạng sử dụng đất trên sơ đồ thửa đất trong GCNQSD đất tại thời điểm cấp GCNQSD đất lần đầu”. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có nhiều ý kiến không đồng tình của các chủ sử dụng đất.

Ngày 19-7-2011, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) đã có văn bản về việc xác định vị trí, ranh giới giữa đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư. Trong đó hướng dẫn: “Khi cấp GCNQSD đất đối với trường hợp này phải xác định rõ diện tích đất ở và diện tích đất trồng cây hàng năm hoặc đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản thể hiện lên bản đồ địa chính hoặc bản đồ trích đo địa chính và trên trang 3 của GCNQSD đất. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã được cấp GCN mà trên GCN, bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất không thể hiện riêng từng loại đất và công trình xây dựng trên đất thì khi người sử dụng đất đăng ký biến động, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không phải đo tách đất ở và đất vườn ao trong cùng một thửa đất hoặc đo đạc bổ sung sơ đồ tài sản gắn liền với đất. Trường hợp đăng ký biến động đối với một phần thửa đất mà phải tách thửa thì thực hiện đo đạc tách thành các thửa đất và cấp GCNQSD đất như hướng dẫn nêu trên”.

Qua đây cho thấy, giữa các văn bản kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra và văn bản hướng dẫn của cấp trên còn chưa thống nhất gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Cho đến nay, UBND thành phố chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể nên khi UBND thị xã Sơn Tây thực hiện việc GCNQSD đất vẫn phải xác định rõ vị trí đất ở đối với các loại đất. Trước vấn đề này nhân dân và một số cán bộ không đồng tình, yêu cầu UBND thị xã báo cáo, đề nghị UBND thành phố phải có văn bản chỉ đạo cụ thể. Như vậy, việc tiến độ cấp GCNQSD đất trên địa bàn thị xã Sơn Tây nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào khi nào những vướng mắc trên được tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vướng mắc trong cấp “sổ đỏ” ở Sơn Tây: Bao giờ được tháo gỡ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.