Tuyên bố mới gây sửng sốt với cả giới nghiên cứu lịch sử khi cho rằng, vườn treo Babylon huyền thoại- một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, không hề nằm ở Babylon.
Tuyên bố này là của giáo sư Stephanie Dalley thuộc Viện Đông phương học của trường Đại học Oxford. Tuyên bố của ông đã khiến cả giới nghiên cứu lịch sử sửng sốt.
Theo các tài liệu cổ để lại, các nhà nghiên cứu sử học tin rằng vườn treo từng được xây dựng tại thành phố cổ xưa Hillah của vương quốc Babylon mà ngày nay là thành phố Hillah của tỉnh Babil, Iraq.
Theo đó, người ta vốn cho rằng nhà vua Nebuchadnezzar (trị vì trong khoảng thời gian từ 605-562 trước Công nguyên) của vương quốc Babylon đã cho xây dựng khu vườn để làm hài lòng người vợ của mình - Hoàng hậu Amytis.
Không rõ sau này đã có chuyện gì xảy ra khiến khu vườn biến mất không để lại một dấu tích, nhiều người tin rằng một trận động đất dữ dội đã làm sụp đổ vườn treo.
Các sách cổ của Hy Lạp và La Mã đều nhắc tới vườn treo Babylon. Khu vườn được miêu tả là nằm trong một lâu đài, có đường cầu thang cao dẫn lên. Cả vườn treo được chống đỡ bởi những cột trụ. Vườn trồng đủ thứ cây xinh đẹp và được gọi là “thiên đường treo”.
Giai thoại kể lại rằng hoàng hậu Amytis vốn sinh ra ở một vùng đất nhiều đồi núi, khi làm vợ vua Nebuchadnezzar, bà luôn nhớ về quê hương mình nên nhà vua đã cho xây dựng khu vườn tựa như một quả đồi để vợ ngày ngày lên thăm cho bớt nhớ nhà.
Tuy vậy, trước nay người ta chưa tìm thấy bằng chứng khảo cổ về khu vườn treo ở bất cứ đâu tại thành phố Hillah.
Một tuyên bố mới đây của giáo sư Stephanie Dalley thuộc Viện Đông phương học của trường Đại học Oxford đã khiến giới nghiên cứu lịch sử sửng sốt: vườn treo Babylon huyền thoại - một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại thực chất không phải được xây ở thành phố Hillah của Babylon dưới thời nhà vua Nebuchadnezzar. Kỳ thực, nó được xây cách đó hơn 480 km tại thành phố Nineveh của đất nước láng giềng Assyria dưới thời vua Sennacherib.
Giáo sư Stephanie Dalley đã từng đưa ra thông tin này từ năm 1992. Bà đã dùng 20 năm để xâu chuỗi các thông tin và bằng chứng. Giáo sư Dalley cho biết bà có 4 luận điểm quan trọng để đưa ra kết luận này và tất cả sẽ được trình bày rõ ràng trong cuốn sách sắp ra mắt.
Theo bà Dalley, Nineveh, thủ đô của đất nước Assyria cổ đại cũng được biết tới với tên “New Babylon” sau khi quân Assyria tới xâm lược Babylon vào năm 689 trước Công nguyên. Điều này có thể đã gây nhầm lẫn về tên địa danh về sau.
Trong quá trình nghiên cứu về những miêu tả trong tài liệu cổ về vườn treo Babylon, giáo sư Dalley phát hiện ra rằng những bức phù điêu tìm thấy trong cung điện của nhà vua Sennacherib ở thành phố Nineveh khắc hoạ hình ảnh vườn treo giống hệt như những gì mà sách cổ vẫn miêu tả.
Ngoài ra, xét về mặt địa lý, địa hình bằng phẳng của Babylon khiến nó khó có thể nào xây dựng một hệ thống dẫn nước lên cho Vườn treo.
Giáo sư Dalley chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên người ta có thể khẳng định rằng Vườn treo Babylon là có thật. Một trong bảy kỳ quan thiên nhiên cổ đại của thế giới - vườn treo Babylon - cho tới nay có lẽ là công trình huyền thoại duy nhất được chứng minh là có tồn tại. Nó từng được nhà vua Sennacherib khẳng định là kỳ quan của cả loài người”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.