(HNMCT) - Nằm trên hòn đảo lớn nhất của quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng), Vườn quốc gia Cát Bà là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam và là khu rừng đặc dụng có sự đa dạng sinh học phong phú bậc nhất nước ta. Đến với Vườn quốc gia Cát Bà, du khách được hòa mình vào thiên nhiên và tìm lại những phút giây thư thái để tái tạo năng lượng.
Quần đảo Cát Bà bao gồm 366 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích khoảng 28.500ha. Vườn quốc gia Cát Bà nằm trên hòn đảo lớn nhất, có diện tích khoảng 15.200ha, gồm 9.800ha rừng núi, 5.400ha mặt nước biển, trong đó, vùng bảo vệ nghiêm ngặt là những khu rừng nguyên sinh rộng 800ha. Do điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn nên tại Vườn quốc gia Cát Bà hình thành nhiều kiểu rừng khác nhau như rừng thường xanh trên núi đá vôi, rừng ngập nước trên núi cao, rừng ngập mặn vùng duyên hải. Cùng với đó là vùng biển với các rạn san hô gần bờ, hệ thống hang động, thung lũng và các khu dân cư... Đây là sự khác biệt của Vườn quốc gia Cát Bà so với những nơi khác. Nhờ tính đa dạng sinh học cao nên năm 2004, quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Với thiên nhiên đa dạng, độc đáo như vậy, Vườn quốc gia Cát Bà từ lâu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là loại hình trekking (đi bộ xuyên rừng). Để chinh phục tuyến đường dài 10km, du khách mất khoảng 6 - 8 giờ. Địa hình liên tục thay đổi từ những đoạn đường bằng phẳng, dốc thoai thoải xen kẽ với những đoạn núi đá tai mèo hiểm trở sẽ khiến du khách hào hứng chinh phục đỉnh cao. Đây là tuyến đường tuần tra của lực lượng kiểm lâm, nhiều đoạn đã được lát đá hộc, nhiều đoạn đường đất khá dễ đi nên du khách có thể thoải mái hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu hệ động, thực vật trên đường đi, chụp ảnh check-in bên những gốc cây cổ thụ có kích thước 5 - 6 người ôm mới xuể.
Trên đường đi, du khách sẽ phải vượt qua các đỉnh Mây Bầu, Áng Phay có độ cao từ 140 - 170m so với mực nước biển. Càng đi sâu vào khu vực rừng nguyên sinh, du khách sẽ càng bất ngờ bởi thảm thực vật vô cùng phong phú. Theo thống kê, Vườn quốc gia Cát Bà có tới 1.585 loài thực vật rừng, trong đó có nhiều loại cây gỗ quý như lát hoa, lim xẹt, kim giao, gõ trắng, chò đãi... Bước dưới tán rừng u tịch, lắng nghe tiếng chim hót, căng lồng ngực hít một hơi thật dài, du khách sẽ cảm nhận rõ rệt hương rừng tinh khiết, trong lành và nhanh chóng lấy lại nguồn năng lượng để tiếp tục chinh phục đoạn đường dài.
Sau khoảng 7km đường rừng, khi đã quá trưa, du khách dừng chân, nghỉ ngơi ăn trưa tại Ao Ếch - khu vực lõi rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt. Trước mắt du khách là hệ thống rừng ngập nước trên núi cao với phần lớn diện tích là cây Và nước đặc trưng chỉ có ở Ao Ếch. Cây Và nước có thân cong, mảnh, màu vàng, lá xanh xòa bóng soi mặt nước gợi nhắc đến các khu rừng ngập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dừng chân nghỉ ngơi, du khách vừa thưởng thức bữa trưa nhẹ nhàng, vừa ngắm nhìn những đàn cua kiếm ăn dưới khe đá và lắng nghe âm thanh của núi rừng. Những phút giây yên bình, thả hồn trong “bản giao hưởng thiên nhiên” cùng khung cảnh thơ mộng, nhuốm màu liêu trai ấy là trải nghiệm đáng giá nhất của chuyến đi.
Là một cư dân bản địa nhiều lần dẫn khách du lịch trên tuyến đường trekking xuyên rừng, ông Đặng Văn Bạ, 60 tuổi cho biết, gần đây, người dân sinh sống quanh khu vực Vườn quốc gia có thêm thu nhập nhờ mở các dịch vụ phục vụ khách du lịch như ăn uống, kinh doanh loại hình lưu trú homestay, dẫn khách tham quan bên cạnh các nghề truyền thống như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, làm ruộng... Công việc của một porter (người mang đồ và dẫn khách) đòi hỏi phải có sức khỏe, thông thạo địa hình và có kiến thức đi rừng để kịp thời sơ cứu cho du khách khi có tình huống khẩn cấp. “Chúng tôi luôn nhắc nhở du khách tập trung rác, chai nhựa tại nơi quy định để thu dọn, tiêu hủy vào mỗi cuối tuần. Đây là khu vực rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, vì thế, chúng tôi luôn cố gắng hạn chế tối đa sự tác động của con người lên thiên nhiên” - ông Bạ chia sẻ.
Là người trực tiếp trải nghiệm tour trekking Vườn quốc gia Cát Bà, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch You and Me cho rằng, đây là một sản phẩm du lịch thú vị mà thành phố Hải Phòng nên đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá để thu hút khách. Ông Tuấn đánh giá: “Vườn quốc gia Cát Bà thực sự là một viên “ngọc lục bảo” quý giá mà chúng ta cần chung tay gìn giữ. Tuy nhiên, bên cạnh việc bảo vệ, cần phát huy giá trị của “viên ngọc” này bằng cách khai thác du lịch một cách cẩn trọng, có chọn lọc với những định hướng, kế hoạch rõ ràng để vừa mang lại nguồn sinh kế bền vững cho người dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời nêu cao ý thức của người dân để chính họ là những người bảo vệ rừng một cách có trách nhiệm nhất”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.