Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vững vàng vào năm học mới

Thống Nhất| 11/08/2011 06:38

(HNM) - Với những bước chuyển về chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong nhiệm vụ dạy người đã có được năm học vừa qua, ngành GD-ĐT Thủ đô có tâm thế vững vàng bước vào năm học mới 2011-2012, mở ra một giai đoạn phát triển mới với việc chuẩn bị thực hiện quy hoạch lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn 2030.


Chú trọng "kỹ năng mềm"

Năm học 2010-2011 là năm học thứ hai Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục được lãnh đạo Bộ GD-ĐT biểu dương về thành tích dẫn đầu trong việc triển khai phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực". Đây được coi là một trong những giải pháp căn bản và bền vững nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các nhà trường. Học sinh Thủ đô không chỉ được học văn hóa để có kiến thức vững mà còn được trang bị các "kỹ năng mềm" để biết trân trọng giá trị cuộc sống và có kỹ năng ứng phó với các tình huống xảy ra.

Chủ trương chung ấy được mỗi nhà trường cụ thể hóa sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Nơi lấy việc xây dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn làm mục tiêu phấn đấu, nơi lấy việc đổi mới phương pháp dạy học làm trung tâm, nơi chọn cách trang bị kỹ năng sống cho HS làm khâu đột phá...

Giờ thực hành môn tin học trên hệ thống máy tính của học sinh Trường THCS Đống Đa. Ảnh: Bích Ngọc

Đặc biệt, với việc hoàn thành biên soạn và chuẩn bị đưa vào giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh" cho HS bắt đầu từ năm học 2011-2012, Hà Nội đã khẳng định mình bằng cách làm riêng trong việc triển khai sâu rộng phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, HS tích cực". Cũng là nhắm tới mục tiêu giáo dục đạo đức cho HS, song với những yêu cầu đòi hỏi có những đặc thù riêng, Hà Nội đã chọn phần rèn nếp sống thanh lịch, văn minh và triển khai bài bản. Bộ tài liệu là sản phẩm của nhiều nhà khoa học, nhà giáo - tập thể những người yêu Hà Nội, mong muốn chung tay góp sức giữ gìn, phát huy những nét văn hóa truyền thống cho những chủ nhân tương lai. Sau khi được hội đồng nghiệm thu cấp thành phố xếp loại xuất sắc, bộ tài liệu đã được thí điểm dạy ở các trường phổ thông trong năm qua.

Là một trong số những người được giao nhiệm vụ dạy thí điểm, cô giáo Bùi Thị Hiệp (Trường THCS Quất Động, Thường Tín) cho biết: Tài liệu đã chọn cách truyền tải kiến thức bằng cả kênh hình và kênh tiếng một cách gần gũi, phù hợp với từng độ tuổi để định hướng hành vi cho các em như cách chào hỏi, ăn trong gia đình, ăn bán trú ở trường, trang phục ở nhà, cách giao tiếp với người xung quanh, hành vi đúng, đẹp khi tham gia giao thông... Vì vậy, nội dung bộ tài liệu không chỉ giúp các em tiếp cận kiến thức mà còn khích lệ các em cố gắng, mong muốn làm theo những điều đã được học.

Qua quá trình thí điểm, tính lan tỏa của chương trình giáo dục “kỹ năng mềm” này đã rõ. Nó không chỉ mang đến hiệu quả giáo dục đạo đức HS mà còn có tác dụng với toàn xã hội trong việc xây dựng nếp sống có văn hóa, bởi các thầy, cô giáo và phụ huynh đã cùng học với học sinh khi bộ tài liệu này được triển khai.

Mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình trường

Củng cố, mở rộng quy mô và phát triển đa dạng hóa loại hình trường nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em nhân dân trên địa bàn TP được coi là nhiệm vụ cấp thiết đối với Hà Nội trong giai đoạn hiện nay. Vì thế, việc tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT luôn được chú trọng. Riêng trong năm học 2010-2011, nguồn huy động dành cho GD-ĐT toàn TP đạt 3.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP là 2.900 tỷ đồng, số còn lại là cộng đồng góp sức. Một số địa phương làm tốt công tác này như Sóc Sơn đầu tư 168 tỷ đồng cải tạo, xây mới phòng học cho 14 trường; Cầu Giấy dành 55 tỷ đồng xây mới 2 trường tiểu học; Long Biên xây mới 2 trường với kinh phí 40 tỷ đồng; Đông Anh đang xây dựng 1 trường THPT với nguồn vốn gần 30 tỷ đồng... Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh, nhiều nơi đã có những cách làm linh hoạt như Hoàn Kiếm thu gom điểm lẻ; Thanh Trì tách trường ở những khu vực đông dân cư; Cầu Giấy rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp...

Việc đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tăng thêm nguồn lực chăm lo cho GD-ĐT cũng được lãnh đạo TP và ngành quan tâm. Gần 5.500 tỷ đồng của Đề án đẩy mạnh xã hội hóa GD-ĐT được dành để đầu tư cho các đơn vị đến năm 2015. Năm học qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu với TP chấp thuận địa điểm cho 14 dự án ngoài công lập (diện tích hơn 20ha) với kinh phí hơn 853 tỷ đồng. Khối các trường ngoài công lập (NCL) ngày càng được khẳng định với nhiều đơn vị có cơ ngơi khang trang, hiện đại, chất lượng dạy - học có nhiều chuyển biến. Điều dễ thấy là ngày càng có nhiều ngôi trường NCL tạo được sức hút với HS, thậm chí không hiếm trường THPT NCL có mức điểm chuẩn cao hơn điểm chuẩn của một số trường công lập.

Kết quả trên là tiền đề vững chắc để ngành GD-ĐT Hà Nội tự tin bước vào năm học mới 2011-2012, năm học mở ra một giai đoạn quan trọng khi chuẩn bị triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Việc triển khai quy hoạch mạng lưới được coi là giải pháp mang tính vĩ mô và đồng bộ, khoa học nhằm giải quyết tình trạng không chỉ thiếu chỗ học cho HS, nhất là ở bậc học mầm non mà còn tạo sự đồng đều về chất lượng dạy - học ở các địa bàn.

- Hà Nội hiện có 2.509 cơ sở giáo dục, 103.725 cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên; có 119 HS đỗ thủ khoa trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2011; tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng giảm 0,7% so với năm học trước; xếp thứ nhất toàn đoàn trong cuộc thi Olympic tiếng Anh qua internet cấp quốc gia...

- Nội dung cơ bản của bản Quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn 2030: bảo đảm mỗi xã, phường có 1-2 trường mầm non công lập; huy động 40% trẻ nhà trẻ, 95% trẻ mẫu giáo đi học; 100% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày; giảm số lượng HS/lớp xuống còn 30 HS/lớp (ở tiểu học, THCS), ở THPT là 40 HS/lớp; xây dựng mô hình trường THPT Thủ đô kiểu mẫu về các giá trị thanh lịch, văn minh; 60% trường học đạt chuẩn quốc gia...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vững vàng vào năm học mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.