Xã hội

Vững vàng trên mặt trận an sinh xã hộiBài 5: Làm tốt công tác tập trung người lang thang

Mai Hoa thực hiện 14/12/2024 11:49

“Thực tế cho thấy, đa phần đối tượng người lang thang, vô gia cư trên địa bàn Thủ đô được tập trung tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của Hà Nội hiện nay là người ngoại tỉnh. Hà Nội đã và đang làm rất tốt công tác tập trung, tiếp nhận người lang thang, bảo đảm đời sống an sinh xã hội cho người dân”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân khẳng định.

Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tập trung người lang thang

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác tập trung người lang thang trên địa bàn Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: “Triển khai Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17-4-2023 của UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, công tác tập trung, tiếp nhận người lang thang đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm quan tâm, hỗ trợ kịp thời các đối tượng cần hỗ trợ khẩn cấp.

Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phát huy vai trò là đơn vị chủ trì, phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, các Sở: Y tế, Văn hóa và Thể thao, Du lịch hướng dẫn thực hiện công tác tập trung người lang thang, đồng thời, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan thực hiện công tác giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn thành phố. Các đối tượng lang thang được đưa đến các cơ sở trợ giúp xã hội của thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng, chờ đưa về nơi cư trú hoặc nuôi dưỡng lâu dài đối với người chưa xác định được nơi cư trú. Những người bị bệnh tâm thần, sống lang thang được đưa đến các bệnh viện. Người lang thang ốm yếu, sức khỏe suy kiệt được đưa đến các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế để điều trị ổn định”.

9-ong-nguyen-hong-dan(1).jpg
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân. Ảnh: Thu Minh

Đáng chú ý, một trong những điểm nhấn tích cực trong công tác tập trung người lang thang là sự vào cuộc của chính quyền cơ sở. Phó Giám đốc Sở Nguyễn Hồng Dân phân tích: “Tại Quyết định số 2252/QĐ-UBND, thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các đơn vị liên quan giải quyết tình trạng người lang thang; bảo đảm trật tự xã hội, mỹ quan đô thị tại địa phương. Đồng thời, chủ động phối hợp Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung, tiếp nhận và đưa người lang thang về cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng chờ đưa về nơi cư trú. Việc phân định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm đã góp phần phát huy hiệu quả công việc ngày càng tốt hơn”.

Linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các giải pháp

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác tập trung người lang thang, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chỉ đạo các trung tâm bảo trợ xã hội vào cuộc chủ động, tích cực, áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, trong đó, phát huy tối đa vai trò của các Đội trật tự xã hội lưu động trực thuộc các cơ sở trợ giúp xã hội có chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc người lang thang.

Trong đó, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội là một trong các đơn vị chủ lực, tập trung, tiếp nhận đối tượng người lang thang trên địa bàn 14 quận, huyện thuộc khu vực trung tâm của Hà Nội đã thành lập đường dây nóng 0243.2233.111, duy trì thường trực 24/7, cung cấp các dịch vụ khẩn cấp. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Vũ Hồng Thu đánh giá: Quá trình vận hành đường dây nóng đã góp phần hỗ trợ các Đội trật tự xã hội lưu động trong việc thực hiện tập trung người lang thang, đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp theo thông báo của các địa bàn. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh việc trao đổi thông tin 2 chiều về tình trạng người lang thang, đặc biệt lưu ý các thông tin phản ánh tại một số điểm nóng như các ngã tư, ngã năm đình, chùa, sự kiện tập trung đông người...

10-trao-li-xi.jpg
Trao lì xì cho người lang thang được tập trung, chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Ảnh: Thu Vân

Thống kê của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cho thấy, từ ngày 15-12-2023 đến hết ngày 14-9-2024, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã tập trung, tiếp nhận 337 đối tượng người lang thang có hành vi xin ăn, xin tiền, trẻ em bị đi lạc gia đình, người lang thang sinh sống nơi công cộng trong dịp lễ Tết và trong thời tiết rét đậm dưới 10 độ C.

Trong đó, đa phần các đối tượng người lang thang, vô gia cư là người ngoại tỉnh, sau quá trình xác minh, liên hệ được người thân, họ sẽ được Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội bàn giao về địa phương, hoặc chuyển về các Trung tâm Bảo trợ xã hội phù hợp để chăm sóc nếu không thể tìm được người thân nuôi dưỡng.

11-ao-moi-dep-moi(1).jpg
Trang bị quần áo, dép mới cho người lang thang được tập trung, chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội. Ảnh: Thu Vân

Khẳng định “Hà Nội luôn khẳng định quyết tâm thực hiện hiệu quả công việc chăm sóc, trợ giúp đối tượng yếu thế theo diện bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tạo lập văn minh đô thị ở Thủ đô”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: “Thực tế cho thấy đối tượng lang thang xin tiền chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật và đa số là người ngoại tỉnh. Họ được tập trung vào cơ sở bảo trợ xã hội, được chăm sóc, trợ giúp theo diện bảo trợ xã hội của Hà Nội, thể hiện sự nhân văn của thành phố với đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô thân thiện, văn minh”.

Tuy nhiên, không dễ đưa người lang thang trở lại với gia đình, cộng đồng nơi cư trú, bởi nguồn thu từ hoạt động xin tiền không nhỏ nên vẫn tồn tại tình trạng có đối tượng lợi dụng người lang thang để trục lợi. Chính vì vậy, nhằm ngăn chặn tình trạng này, đòi hỏi công tác phối hợp của các lực lượng liên quan, từng bước khắc phục hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thực hiện. Trong đó, đề cao vai trò của lực lượng Công an, cụ thể là Công an thành phố tăng cường chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Công an địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết tình trạng người lang thang. Cùng với đó là vai trò của lực lượng công an trong việc điều tra, xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em đi xin tiền...

Từ nay đến cuối năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chỉ đạo các trung tâm bảo trợ xã hội tiếp tục tăng cường công tác rà soát, kiểm tra địa bàn. Đồng thời, phối hợp tốt với các địa phương thực hiện công tác tập trung và tiếp nhận người lang thang theo đúng quy trình, nhất là các điểm nóng là các ngã tư ngã năm, các điểm tập trung đông người, như: Đình, chùa... Qua đó, góp phần bảo đảm trật tự an ninh xã hội, xây dựng hình ảnh Thủ đô hiện đại, xanh - sạch - đẹp - văn minh.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vững vàng trên mặt trận an sinh xã hội Bài 5: Làm tốt công tác tập trung người lang thang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.