(HNM) - Trường Sa, hai tiếng thân thương luôn nhắc nhớ về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi
Mệnh lệnh từ trái tim
"Là công dân Thủ đô, chúng tôi rất tự hào được công tác nơi đầu sóng ngọn gió, nơi cả nước rất quan tâm và là nơi người lính được cống hiến nhiều nhất" - Thiếu tá Trịnh Công Lý, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn tâm sự. Gắn bó với Trường Sa 5 năm, đóng quân ở đảo Nam Yết và hiện là Sinh Tồn, nhưng dấu chân người con của xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây đã in đủ ở 33 điểm đóng quân và 21 đảo trên quần đảo Trường Sa. "Với người lính thì đóng quân ở đâu cũng là nhiệm vụ, nhưng Trường Sa là điểm thiêng liêng và cao cả nên không chỉ tôi mà bất cứ người lính nào khi nhận nhiệm vụ ra đây đều có những cảm xúc riêng của mình" - anh nói. Nhìn đảo Sinh Tồn rợp mát với những cây bàng vuông, phong ba, có công trình thanh niên, giếng nước… mới thấy hết những đóng góp của anh và đồng đội cùng các hộ dân ở đây. Ngoài nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển đảo, hỗ trợ người dân đang sinh sống nơi đây, cán bộ, chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn còn khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước ngọt… cho ngư dân mỗi dịp ghé vào đảo. Những công việc mà Thiếu tá Trịnh Công Lý và cán bộ, chiến sĩ trên đảo đang làm hết sức mình được anh lý giải đơn giản là giúp đỡ ngư dân trên biển không chỉ là chủ trương của Đảng, Nhà nước mà còn là mệnh lệnh từ trái tim.
Ở Trường Sa, có rất nhiều người con Hà Nội đang làm nhiệm vụ. |
Chúng tôi gặp Đại úy Kiều Đức Vinh, một người con của xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, hiện đang là Bệnh xá trưởng ở xã đảo Song Tử Tây. Là bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, anh ra đảo công tác đã hơn một năm. Chia sẻ với chúng tôi, anh cười: "Là công dân Thủ đô ở Trường Sa thì cũng bình thường thôi mà. Bản thân tôi nghĩ, là người dân nước Việt Nam dù ở đâu cũng phải hết lòng vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc". Câu chuyện với anh đầy trăn trở về việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo và ngư dân. Hiện máy móc, phương tiện cấp cứu tương đối đầy đủ nhưng những ca khó vẫn phải chuyển vào bờ… Anh trăn trở: "Nếu bệnh xá được trang bị nhiều hơn, thuốc men đầy đủ hơn thì khỏi phải chuyển tuyến vì chuyển vào bờ cũng rất khó khăn".
Ở Thủ đô có nhiều sự lựa chọn lập nghiệp, nhưng không ít chàng trai trẻ vẫn tự nguyện gắn bó với quân ngũ, dũng cảm ra nơi địa đầu đầy gian khó để bảo vệ Tổ quốc. Thượng úy Cấn Ngọc Sơn (quê Phúc Thọ, Hà Nội), Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông B, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, anh đã gắn bó với quân đội theo tấm gương của cha ông mình. Nói về cảm xúc khi công tác ở Trường Sa, chàng thanh niên vẫn chưa có người yêu này cho biết rất tự hào được làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, nơi mà tất cả mọi người Việt Nam đều đang hướng về, dành cho những tình cảm thân thương nhất. Chính điều đó khiến Sơn luôn cố gắng trong nhiệm vụ. "Nếu được làm lại, tôi vẫn chọn công tác ở hải quân" - chàng sĩ quan trẻ khẳng định.
"Hãy tin ở chúng tôi"
Trường Sa, hai tiếng thân thương luôn nhắc nhớ về vùng biển đảo thiêng liêng nơi cực đông Tổ quốc. Nơi ấy nắng cháy, sóng tràn mà tình người mênh mang như biển. Những chàng trai của đất kinh kỳ văn hiến, thanh lịch giờ đã nhuốm phong sương, sạm màu nắng gió, nhưng chất hào hoa vẫn không phai bạc. Gian khổ các anh không ngại, hiểm nguy không sờn, mà những lo toan dồn lại quê nhà, nơi có những người mẹ, người vợ, những đứa con đang là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm công tác nơi đầu sóng ngọn gió. Thiếu tá Trịnh Công Lý cho biết anh đã có hai con, bé trai học lớp 5 và bé gái học lớp 1. Ở nơi xa xôi, tình cảm gửi gắm cho vợ con nhiều nhất chỉ là gọi điện thoại. "Ngày nghỉ, ngày lễ, dịp hè nhiều khi các cháu muốn được bố đưa đi chơi, mua sắm một chút cũng không được" - Giọng anh chùng xuống khi nhắc về những nỗi khó khăn của vợ con nơi quê nhà, về người vợ hiền đang đảm đương cả phần việc của người đàn ông trong gia đình để chồng yên tâm bảo vệ chủ quyền đất nước. Còn Đại úy Kiều Đức Vinh đã 12 tháng nay chưa có dịp về thăm người vợ trẻ và cậu con trai đang học lớp 1. "Thời chiến thì không nói, còn thời bình mà xa cách thì là điều khó khăn, nhất là trẻ con, rất thương nó. May nhờ có điện thoại nên đêm nào vợ chồng, con cái cũng trò chuyện với nhau. Nhờ vậy mà Trường Sa tuy xa mà vẫn gần" - anh Vinh cười.
Cũng như Thiếu tá Trịnh Công Lý, Đại úy Kiều Đức Vinh, Thượng úy Cấn Ngọc Sơn… những công dân Thủ đô khác mà chúng tôi đã gặp ở quần đảo Trường Sa luôn thể hiện bản lĩnh, sự tự tin và lập trường tư tưởng vững vàng, dù điều kiện sống khắc nghiệt, dù trăn trở về những thiệt thòi của vợ con khi chồng, cha phải xa nhà. Như binh nhất Phí Văn Tùng, quê ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, đang công tác ở đảo Song Tử Tây, dù tuổi đời chỉ mười tám đôi mươi nhưng đã chọn cho mình một lý tưởng sống cao đẹp và đáng tự hào. "Hãy tin ở chúng tôi", đó là lời người lính trẻ này nhắn nhủ mọi người Việt Nam hãy yên lòng về những người chiến sĩ, trong đó có không ít những người con Hà Nội, đang một lòng chắc tay súng bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.