Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vững tiến trên đường đua chuyên nghiệp

Minh An| 02/04/2017 07:51

(HNM) - Tay vợt từng đầu quân cho cầu lông Hà Nội - Nguyễn Thùy Linh đang có những bước tiến vững chắc trong sự nghiệp.


Tay vợt trẻ Nguyễn Thùy Linh.


Ngày Nguyễn Thùy Linh từ Phú Thọ xuống tập luyện ở Câu lạc bộ (CLB) Cầu lông Hà Nội cách đây gần mười năm, ít ai nghĩ rằng Linh sẽ vào nhóm 100 tay vợt hàng đầu thế giới. Ngày ấy, biết Linh mê cầu lông, lại có năng khiếu nên ông ngoại đã đưa Thùy Linh xuống Hà Nội để luyện tập. Chỉ ít năm sau, Linh đã chiếm ngôi cao nhất ở nhiều giải trẻ quốc gia.

Trên bảng xếp hạng mới nhất của Liên đoàn Cầu lông thế giới, tay vợt Nguyễn Thùy Linh tăng tới 12 bậc để lên hạng 63 đơn nữ thế giới. Tuy nhiên, mục tiêu của cô đến năm 2020 là vào trong nhóm 20 tay vợt hàng đầu thế giới. Hiện tại, một kế hoạch tập huấn dài hạn ở Hàn Quốc cho cô đang được xúc tiến.

Sau này, vì những lý do khách quan nên Nguyễn Thùy Linh đầu quân cho thể thao Đà Nẵng. Ở vùng đất mới, tài năng của cô bé mê cầu lông vẫn phát triển đều đặn, trở thành tay vợt nữ số 2 Việt Nam, sau Vũ Thị Trang và được chọn vào đội tuyển quốc gia dự SEA Games 28 năm 2015 khi mới 18 tuổi. Sau đó, không chỉ khẳng định vững chắc vị trí số hai Việt Nam, Nguyễn Thùy Linh còn lọt vào nhóm 100 tay vợt nữ hàng đầu thế giới. Cô chỉ tiếc nuối, ông ngoại - người đưa cô đến với cầu lông chuyên nghiệp và mẹ đã không được chứng kiến bước đi đầy kiêu hãnh, ấn tượng trong làng cầu lông Việt Nam của cô. Cả hai người thân yêu của cô đều qua đời sau những cơn bạo bệnh. Với một cô bé đang tuổi lớn, đó là những cú sốc rất nặng, không dễ gượng dậy. Để có được những thành công như hiện tại, sẽ phải cần đến nghị lực rất lớn. Nhờ những thành công trong chuyên môn nên cô luôn được các nhà tài trợ quan tâm. Trước 2015, cô ký hợp đồng với nhãn hàng Victor; trong năm 2015-2016, cô gắn bó với Astec. Và bây giờ, nhà tài trợ cho cô là nhãn hàng Dunlop với bản hợp đồng có giá trị lớn nhất với cô từ trước đến nay.


Với Nguyễn Thùy Linh, giai đoạn cô gắn bó với Astec thực sự đáng nhớ. Ngoài sự đầu tư của Tổng cục Thể dục thể thao, Đà Nẵng, cô còn được doanh nghiệp này hỗ trợ trang thiết bị tập luyện, thi đấu cùng kinh phí tham dự khoảng 3, 4 giải quốc tế/năm với tổng giá trị tài trợ gần 15.000 USD/năm. Trong năm 2016, hãng này hỗ trợ để Nguyễn Thùy Linh được tham dự giải đấu ở Hồng Kông (Trung Quốc) có cấp độ gần như cao nhất trong làng cầu lông thế giới - cấp độ Super Series. Sau lần dự giải ở Hồng Kông với thành tích vào vòng 16 tay vợt mạnh nhất, tâm thế và sự hiệu quả của cô ở những sân chơi cấp độ thấp hơn đã khác hẳn. Sau đó, cô thi đấu với tâm thế “cửa trên” và giành ngôi vô địch giải Nepal mở rộng, vào chung kết giải Bangladesh mở rộng. Thành công đó đưa Nguyễn Thùy Linh lọt vào nhóm 100 tay vợt hàng đầu thế giới và quan trọng là tự tin hơn hẳn khi bước vào những giải đấu cấp độ trung bình và thấp. Ngay ở giải Ciputra Ha Noi - Yonex Sunrise 2017 vừa qua, cô đã vào đến bán kết đơn nữ và đó cũng là thành tích tốt nhất của cô trong các lần dự giải này.

Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông Hà Nội Bùi Kim Hà - một trong những người có nhiều đóng góp vào sự tiến bộ gần đây của Linh đánh giá: "Nguyễn Thùy Linh thông minh và có tố chất tốt, nhất là về thể lực. Hiếm có vận động viên (VĐV) nào lĩnh hội nhanh chóng chỉ đạo của huấn luyện viên như Linh. Đó là mẫu VĐV không dễ gặp trong làng cầu lông Việt Nam. Nhưng Linh mới 20 tuổi, còn phải điều chỉnh cả về chuyên môn, phong thái để hoàn thiện và thực hiện các mục tiêu tiếp theo. Trong đó có việc giành vé dự Olympic 2020, lọt vào nhóm 20 tay vợt hàng đầu thế giới”.

Nhiều người trong nghề vẫn nói rằng, ở tuổi 20, thành công đến sớm luôn có hai mặt tốt - xấu. Vì thế tay vợt số hai Việt Nam cần phải vững chân để được biết đến như một VĐV chuyên nghiệp thực thụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vững tiến trên đường đua chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.